Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường 14/11 với chủ đề “Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh đái tháo đường của mình và biết cách ứng phó”
Lượt xem: 212
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu và là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Bệnh đái tháo đường xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hoóc môn - insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả Insulin mà nó tạo ra.

Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh ĐTĐ.

Bệnh ĐTĐ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

Phân loại bệnh đái tháo đường gồm có:

Bệnh đái tháo đường tuýp 1: có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi mắc Đái tháo đường tuýp 1, cơ thể sản xuất rất ít hoặc không sản xuất Insulin.

Bệnh đái tháo đường tuýp 2: phổ biến hơn ở người lớn và chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp Đái tháo đường. Khi mắc Đái tháo đường tuýp 2, cơ thể không sử dụng tốt lượng Insulin mà nó tạo ra.

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết lần đầu tiên được phát hiện trong thời kỳ mang thai.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân ra 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2021. 

Cũng theo IDF tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường (năm 2019). Hầu hết trong số này là đái tháo đường tuýp 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường được chẩn đoán phát hiện bằng nghiệm pháp dung nạp glucose. Tương đương hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.

Ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991, đánh dấu cột mốc ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922. 

Từ đó, hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Đến năm 2016, có hơn 230 tổ chức thành viên của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tổ chức và hưởng ứng sự kiện này.

Hưởng ứng  Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường 14/11/2023 với chủ đề “Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh đái tháo đường của mình và biết cách ứng phó”. Các thông điệp ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường 14/4/2023 gồm:

Toàn thế giới quan tâm và chung tay phòng, chống bệnh đái tháo đường thai kỳ cho phụ nữ vì một sức khoẻ và tương lai hạnh phúc.

Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.

Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, kinh tế của cả quốc gia và của mỗi gia đình.

Hãy duy trì hoạt động thể lực hàng ngày, chế độ ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh đái tháo đường.

 

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 24
  • Hôm nay: 518
  • Trong tuần: 9 699
  • Tháng hiện tại: 39 114
  • Tổng lượt truy cập: 780672
Đăng nhập