Bộ Y tế: Đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh nhân khi phải mua thuốc bên ngoài
Lượt xem: 287
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đề xuất bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở khám bệnh chữa bệnh không cung ứng được; Đề xuất cho phép thời gian đóng bảo hiểm y tế đối với hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên; Mở rộng thêm một số phạm vi quyền lợi được hưởng khác...

Đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh nhân khi phải mua thuốc bên ngoài

Tại Tờ trình, Bộ Y tế nêu rõ, Luật BHYT được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đã thực sự đi vào cuộc sống khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT- một trong những chính sách an sinh xã hội, nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác quản lý nhà nước về BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Mặc dù có tác động của đại dịch COVID-19, song đến cuối năm 2022, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 92% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, trong thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật.

Theo Bộ Y tế, việc mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, nhất là việc tổ chức khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, cũng như quy định lộ trình điều chỉnh phạm vi và mức chi trả của quỹ BHYT đối với trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp với điều kiện, nhu cầu và khả năng chi trả ngay từ tuyến y tế cơ sở, cũng giảm tải cho cơ sở y tế tuyến tỉnh, trung ương.

Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, quản lý bệnh viện và giám định bảo hiểm y tế được thực hiện hiệu quả. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện.

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nên Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Nội dung đề xuất sửa đổi nêu rõ trước mắt chưa có điều kiện sửa đổi toàn diện luật này mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Đề xuất cho phép thời gian đóng BHYT đối với hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên

Việc này nhằm mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT để thực hiện BHYT toàn dân; Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT; Bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm các bên trong quản lý và điều hành BHYT...

Tại Tờ trình, về nội dung mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT hướng đến mục tiêu tăng bền vững tỷ lệ dân số tham gia BHYT và cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT hợp lý, chi phí - hiệu quả.

Bảo đảm tất cả mọi đối tượng trong xã hội được quyền và có trách nhiệm tham gia BHYT.

Cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho tham gia BHYT: Thủ tục tham gia BHYT đơn giản, thuận tiện, cho phép thời gian đóng BHYT đối với Hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.

Bổ sung một số quyền lợi được hưởng như: dịch vụ vận chuyển người bệnh khi chuyển viện (hiện mới được khi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên); dịch vụ khám, chẩn đoán sớm một số bệnh; làm rõ để giảm các trường hợp không được BHYT chi trả như giới hạn trong dịch vụ y tế thuộc phạm vi thử nghiệm lâm sàng).

Cùng đó xử lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHYT đối với doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động và tính nghiêm minh của pháp luật.

Đề xuất thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải mua thuốc

Bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật BHYT hiện hành như nhóm đối tượng do người sử dụng lao động đóng, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người chưa đủ giấy tờ tùy thân hay chứng minh về nhân thân; nhóm tự đóng BHYT.

Cùng đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT như: Quy định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chuyển thanh toán BHYT đồng bộ với nhau; Lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu. Quy định đồng bộ về mức hưởng đối với ngoại trú và nội trú với cấp khám bệnh chữa bệnh cơ bản khi phân lại cấp theo Điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và quy định về mức hưởng có liên quan đến tuyến (theo chủ trương "thực hiện lộ trình thông tuyến" nêu tại Nghị quyết 20/NQ-TW).

Tại Tờ trình này, Bộ Y tế đề xuất mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp. Theo đó, bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở khám bệnh chữa bệnh không cung ứng được và việc thanh toán theo dòng mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc thông qua mua sắm đặc biệt qua tổ chức quốc tế.

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập