Bộ Y tế đề nghị tăng cường truyền thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh thuốc lá điện tử
Lượt xem: 92
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Qua phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này.

Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Tại công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành thực hiện chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, thành phố;

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở, Ban ngành, Đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường, cần kịp thời phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ sở giáo dục; Chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm là chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với Bộ Y tế triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là phòng chống tác hại của thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên như: ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại thuốc lá và thuốc lá điện tử cho các cơ sở giáo dục.

Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an với chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trược và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông và ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập