Tư tưởng Hồ Chí Minh về Y đức
Lượt xem: 104
Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại đã dành cả cuộc đời mình chiến đấu vì độc lập tự do cho dân tộc, hướng tới chủ nghĩa nhân văn cao cả và cuộc sống tự do hạnh phúc của mỗi người. Người xác định con người là gốc của mọi công việc, mà sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người. Vì vậy, Người đã đặc biệt quan tâm xây dựng ngành y học nước nhà theo quan điểm tư tưởng mới vừa hồng vừa chuyên với phương châm kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Thị xã Cao Bằng tháng 2 năm 1961. Ảnh: Tư liệu Trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3 năm 1948, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Người t

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Thị xã Cao Bằng tháng 2 năm 1961. Ảnh: Tư liệu 

Trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3 năm 1948, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng tinh thần những người ốm yếu”. Tại Hội nghị cán bộ y tế 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ y tế, trong thư Người nhấn mạnh, cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, bởi “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Mỗi khi có dịp tiếp xúc với cán bộ ngành Y tế, Bác luôn thấu hiểu và thường chia sẻ khó khăn, đồng thời nhấn mạnh khó khăn có thể khắc phục được nếu tất cả mọi người đều đồng tâm đoàn kết, nêu cao ý thức trách nhiệm, tình thương yêu nhân ái, đức hy sinh tận tụy phục vụ người bệnh; Coi vai trò trách nhiệm của người thầy thuốc cũng như người mẹ hiền “Lương y phải như từ mẫu”. Người thầy thuốc tận tâm hết lòng cứu chữa người bệnh cũng coi như người mẹ đã tái sinh cuộc sống cho con người, câu nói đó đã trở thành niềm vinh dự tự hào, là tư tưởng hành động và mục tiêu phấn đấu của đội ngũ cán bộ y tế.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước nhiều bác sỹ  tài năng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước ngoài để đi theo cách mạng kháng chiến, như: Bác sỹ Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… Đó chính là những người thầy thuốc điển hình về tinh thần yêu nước, thương dân và tấm gương tiêu biểu về y đức. Đó cũng là những người đã xây dựng và dày công vun đắp cho nền y học hiện đại Việt Nam. Giáo sư Hồ Đắc Di từng nói: trong mọi nghề, nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo là cao quý nhất. Một mang lại sự sống, một mang lại trí tuệ. Cả hai đều đòi hỏi lương tâm trong sáng...điều đó luôn luôn đúng trong một xã hội nhân văn.

Trải qua 69 năm xây dựng và phát triển lời dạy của Bác đã được ngành Y tế quan tâm thực hiện và không ngừng hoàn thiện bằng những tiêu chí cụ thể, thiết thực. Từ những năm kháng chiến gian khổ, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã đúc kết thành 3 yêu cầu ngắn gọn dễ nhớ là: bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở; Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình; Bệnh nhân về dặn dò ân cần, chu đáo.

Trong những năm đổi mới, kinh tế, xã hội phát triển các mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường và cuộc sống đời thường đan xen nhiều vấn đề phức tạp … Nắm bắt kịp thời những diễn biến của thời cuộc và thấm nhuần sâu sắc quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 1996 Bộ Y tế đã ra Chỉ thị quán triệt về y đức và quyết định ban hành 12 điều y đức, triển khai học tập sâu rộng trong toàn ngành và công khai khai hóa đến mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài 12 điều y đức, ngành Y tế còn xây dựng các điều lệ, nội quy, quy trình kỹ thuật để nhân dân biết và kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện.  Những việc làm đó đã có tác dụng thiết thực giữ gìn và góp phần nâng cao y đức,   huớng tới mục tiêu cao cả nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đó cũng là niềm tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ cán bộ ngành Y tế.

Tuy nhiên, với công việc làm dâu trăm họ, hoạt động trong môi trường đặc thù,    thường xuyên bị tác động về tâm lý và áp lực của cuộc sống đời thường nên đây đó vẫn   còn bắt gặp những hiện tượng cáu gắt  hoặc thiếu niềm nở, ần cần đối với bệnh nhân… Mặt khác do tác động của cơ chế thị trường, áp lực của sự quá tải và cả ý muốn chủ quan của bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân tự mình tạo thành thói quen phong bì lót tay cho chóng được việc... nên không thể hoàn toàn tránh khỏi cảnh “con sâu làm rầu nồi canh’’, làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và phẩm cách trong sáng của người  thầy thuốc…

Thực tế tồn tại cần được sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng... Nhưng thực tế là 12 điều y đức luôn là chuẩn mực và thước đo đánh giá mà mỗi cán bộ ngành Y tế luôn  biết tự răn mình để không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp,  trau dồi y đức thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Đó chính là động lực và niềm tin soi sáng  trên con đương vươn tới xứng đáng với danh hiệu cao quý “Lương y phải như từ mẫu”,  “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Thực tế đó đã và đang được xã hội công nhận và tôn vinh. 

                                                                                                Mai Hoa 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập