Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm
Lượt xem: 65
Sáng ngày 21/5/2024, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Trọng Thụ

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có đồng chí Nông Tuấn Phong - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế; đại diện các Sở, Ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Cục Quản lý thị trường, Giáo dục và Đào tạo Lãnh đạo và công chức Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ các vụ ngộ độc tại Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc với nhiều người mắc, Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức Hội nghị này. Đồng chí nhấn mạnh "An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn là vấn đề an sinh, chất lượng nhân lực lao động sản xuất. Đã có các vụ ngộ độc với số người mắc tương đối lớn, ảnh hưởng lao động sản xuất. Do đó, an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, nóng bỏng, đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm, tham dự đầy đủ và chỉ đạo triển khai. Tránh xảy ra ngộ độc mới chạy theo chữa, giải quyết".

 

anh tin bai

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến. Theo báo cáo thống kê, giai đoạn 2019 -2023, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 100 vụ NĐTP với 2.181 người mắc, 23 ca tử vong. Năm 2023 cả nước có 40 vụ NĐTP với 706 người mắc, 11 ca tử vong. Trong đó, có 7 vụ có số người mắc trên 30 người. Trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước xảy ra 36 vụ NĐTP, với 2.138 người mắc (tăng 1.432 người mắc, chiếm 202,8% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ). Tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra 3 vụ với 518 người mắc (tăng 457 ca so với cùng kỳ), không có ca tử vong. Tại bếp ăn các trường học xảy ra 2 vụ với 56 người mắc (giảm 115 ca so với cùng kỳ), không có ca tử vong.

Để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như: điều kiện thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bên cạnh đó nhận thức và ý thức của một số người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt…

Đáng lưu ý, Cục An toàn thực phẩm nhận định, ngộ độc thực phẩm còn có cả nguyên nhân chủ quan như: sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt, dẫn đến tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các địa phương còn tình trạng không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm. Hoặc các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.

Qua kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc một số vụ NĐTP quy mô lớn, Bộ Y tế ghi nhận việc thực hiện các quy định về ATTP của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên. Một số cơ sở kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân. Ngay sau khi nhận được thông tin trong các vụ NĐTP, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị, hướng dẫn địa phương, Các cơ sở y tế tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên. Đình chỉ ngay cơ sở gây ngộ độc, tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân. Truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện ATTP, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống NĐTP.

Để bảo đảm công tác ATTP trong thời gian tới, đặc biệt là Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các đại biểu cùng thảo luận để tìm ra giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện ở cơ sở và ở các cơ quan đơn vị như thế nào để đảm bảo ATTP và hạn chế tối đa NĐTP xảy ra ở mức độ thấp nhất, tử vong ít nhất.

Theo Bộ Y tế, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương đã rõ ràng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.

Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý NĐTP; Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý NĐTP. Trong đó, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn; triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguyên liệu trước khi chế biến, chỉ sử dụng các nguyên liệu đã được kiểm soát, phù hợp các quy định của ngành Nông nghiệp, Công Thương.

UBND các cấp quan tâm công tác quản lý ATTP trên địa bàn, tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí. Nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, đặc biệt với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp) cung cấp thực phẩm. Tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, đặc biệt là các sản phẩm thịt, rau củ... Phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Mai Hoa

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập