Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa đông và cách phòng tránh
Lượt xem: 165
Thời tiết thay đổi ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Sự suy giảm chức năng hoạt động của hệ tim mạch và hệ thống miễn dịch là yếu tố quan trọng làm gia tăng bệnh tật ở người cao tuổi. Vì vậy vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường người cao tuổi cần lưu ý đề phòng một số bệnh hay gặp sau đây:

Khám sàng lọc bệnh lý tăng huyết áp cho người cao tuổi tại xã Phong Nậm. Ảnh: Nguyễn Khoa

Các bệnh liên quan đến đường hô hấp

Thời tiết lạnh, hanh khô làm cho đường hô hấp rất dễ bị bệnh như: viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn... Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật trội, đóng kín các cửa (do lạnh) cũng là yếu tố thuận lợi cho bệnh hô hấp phát triển, đặc biệt ở người cao tuổi. Mùa xuân cũng là mùa của các loài hoa thụ phấn, côn trùng sinh sôi, phấn hoa, côn trùng cũng là yếu tố gây nên cơn dị ứng cho một số người cao tuổi có cơ địa dị ứng phấn hoa, côn trùng.

Bệnh tim mạch

Song song với các bệnh hô hấp thì bệnh tim mạch cũng gia tăng khi mùa đông đến. Ở tuổi già, hệ mạch giảm độ đàn hồi, thường xảy ra xơ cứng mạch máu, khi nhiệt độ giảm đột ngột khiến các mạch máu co lại dễ gây nên cơn huyết áp kịch phát, nhất là đối với người cao tuổi có tiền sử bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp kịch phát có thể gây nên đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Thời điểm bệnh dễ xảy ra trong ngày là về chiều tối hoặc ban đêm do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm gây ra.

Cứng khớp và khó vận động

Tự nhiên ngủ dậy, không vận động được khớp cổ tay, khó vận động khớp bàn ngón tay, khớp gối, cổ chân. Người cao tuổi khó thực hiện được các động tác nhỏ như: đi lại, cầm bát đũa. Đây là hiện tượng cứng khớp ở người già. Không giống như trong các bệnh có hiện tượng cứng khớp như viêm khớp dạng thấp, tình trạng này xảy ra là do các khớp không tiết đủ các chất nhờn bôi trơn cho vận động. Đây là dấu hiệu thoái hóa khớp dạng khô khớp. Để giảm mức độ, người cao tuổi nên thường xuyên tập thể dục, đi lại, phân phối thời gian nằm và vận động hợp lý. Vận động từ từ vào buổi sáng, các màng hoạt dịch sẽ được tái kích hoạt và tiết dịch bôi trơn nhiều hơn.

Đột quỵ não

Tuổi cao là yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh mạch máu não như bệnh đột quỵ não. Đó là vì ở giai đoạn này, hệ mạch giảm độ đàn hồi, thường xảy ra xơ cứng mạch máu, lại hay kèm theo bệnh tăng huyết áp khi tuổi xế chiều. Thời điểm dễ xảy ra trong ngày là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể người. Trong các trường hợp nặng, người bệnh quỵ ngã đột ngột và bất tỉnh.

Để phòng bệnh đột quỵ vào mùa đông nên vận động nhiều, vận động trong nhà tránh gió lùa, tránh tập thể dục khi sáng sớm và tránh ra ngoài trời ban đêm. Phải làm ấm cơ thể trước khi rời khỏi giường. Ra ngoài phải mặc ấm, mang tất, găng tay, khăn quàng cổ...  Phòng ngủ ấm áp, cung cấp đầy đủ không khí, giường ngủ êm ái thoáng khí để đảm bảo thông khí cho cơ thể. Chủ động phòng bệnh từ xa, kiểm soát tốt bệnh sẵn có như huyết áp, xét nghiệm mỡ máu, đường huyết... Tuân thủ điều trị của bác sĩ, không được bỏ thuốc hoặc tự ý mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc cũ, đơn thuốc của người khác chữa bệnh cho mình.

Viêm khớp gối

Đây là bệnh xuất hiện thường xuyên nhất. Lý do cơ bản là thoái hóa xương, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối chèn ép vào màng khớp và gây viêm. Vào mùa lạnh, các mạch máu nuôi dưỡng trở nên kém tuần hoàn. Dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn, nhất là các vận động gấp duỗi cẳng chân, bước cầu thang... Người bệnh ít khi sốt, trong các trường hợp này, nên vận động chân từ từ, sau một vài động tác sẽ giảm đau cho khớp. Có thể dùng một số loại rượu thuốc để xoa bóp nhằm làm tăng lượng máu lưu thông tại chỗ. Đây là tình trạng viêm vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Nhiệt độ lạnh, không khí ẩm là những yếu tố làm bệnh viêm khớp tái phát vào mùa đông ở người cao tuổi.

Cách phòng tránh

Mặc ấm, giữ ấm cơ thể

Để phòng bệnh mùa lạnh, người cao tuổi cần mặc đủ ấm, phòng ngủ đủ ấm, tránh gió lùa. Nên hạn chế ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm và ban đêm, nếu ra khỏi nhà phải mặc thật ấm, đi tất, găng tay, cổ quàng khăn ấm, đeo khẩu trang và nên đội mũ ấm. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng tắm kín gió, tắm xong phải lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo ấm. Đối với người cao tuổi mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn vào những ngày trời lạnh nên hạn chế tắm, chỉ nên lau người, rửa mặt, chân tay bằng nước ấm.

Tránh bị lạnh đột ngột

Người bị bệnh Tăng huyết áp cần hết sức tránh lạnh đột ngột, nhất là nửa đêm, sáng sớm khi ra khỏi giường nên dậy từ từ, mặc ấm trước khi ra khỏi giường, khi mở cửa phòng cần mở hé dần để làm quen với không khí bên ngoài tránh lạnh đột ngột, cơ thể người già không đáp ứng kịp có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim hết sức nguy hiểm.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt

Bỏ các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá. Chế độ ăn đảm bảo các chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau, quả chứa nhiều Vitamin C từ thiên nhiên như: cam, chanh, bưởi, quýt, cà chua, su hào, xà lách, giá đỗ... nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng đảm bảo như: súp, cháo thịt, các món hầm... Tránh ăn quá no gây đầy bụng, chướng hơi, nên uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ tránh hạ đường huyết trong đêm. Tuyệt đối không dùng rượu để chống lạnh vì rượu gây dãn mạch khi ra ngoài gặp lạnh sẽ rất nguy hiểm.

Chế độ luyện tập

Tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao vừa sảng khoái tinh thần vừa có tác dụng nâng cao sức khỏe. Tập luyện đều đặn không những giúp cho cơ thể giữ được khối cơ không teo, nhẽo mà còn giúp cho khí huyết lưu thông, tăng cường sự hoạt động của tim mạch, tăng sức bền thành mạch, giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ăn uống chóng tiêu giúp cơ thể tăng khả năng chịu lạnh. Khi tập thể dục nên chọn chỗ kín gió, ấm áp. Tùy theo sức khỏe của mình, người cao tuổi nên lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe như: tập dưỡng sinh, tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ thong thả, chạy nhẹ nhàng, chơi cầu lông...

Người cao tuổi cần lưu ý tới sức khỏe của mình, khi có các dấu hiệu bất thường như: đau đầu, mất ngủ, hay quên, đau lưng, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt... cần đi khám tại các cơ sở y tế để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. 

 

Bảo An

 
 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập