Khó khăn trong công tác giảm tình trạng tảo hôn ở Thạch Lâm
Lượt xem: 370
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên; tuy nhiên có một thực tế vẫn còn tồn tại hiện nay ở không ít vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) nói riêng, đó là tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân một phần vì quan điểm, thói quen, phong tục tập quán vẫn còn in sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

        Tình trạng tảo hôn ở xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) vẫn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng tảo hôn ở xóm, ông Hầu Văn Thành, Trưởng xóm Nà Thằn, xã Thach Lâm chia sẻ: Tình trạng tảo hôn ở xóm vẫn còn diễn ra, năm ít cũng có 1 - 2 cặp, mấy năm trước có 4 - 5 cặp. Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể xóm đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... Nhưng do những tục lệ, nghi lễ “lấy vợ, lấy chồng sớm”, “sinh nhiều con” đã “ngấm sâu” trong tư tưởng của nhiều thế hệ đồng bào nên tình trạng tảo hôn cũng chỉ giảm chứ chưa chấm dứt được.

Không phải ở Nà Thằn mà ngay cả những xóm khác của Thạch Lâm tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí có những cặp tảo hôn không phải đồng bào dân tộc thiếu số Mông, Dao, Sán Chỉ mà có cả dân tộc Tày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều trường hợp tảo hôn do đặc thù phong tục, tập quán. Xã Thạch Lâm phần lớn là người dân tộc Mông nên họ có quan điểm con cái phải lấy vợ, lấy chồng sớm để có người lo việc nương rẫy, nhà cửa. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình tuyên truyền, vận động, có gia đình “mưa dầm thấm lâu” nên họ đã chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng cũng có gia đình phản đối. Khi các cơ quan, đoàn thể đến họ không tiếp, thậm chí đuổi về. Họ nói “Con tôi, tôi muốn gả cho ai thì gả, muốn gả lúc nào thì gả, mọi người không có quyền can thiệp”.

Theo thống kê của xã Thạch Lâm, năm 2020, trên địa bàn xã có 31 cặp tảo hôn; năm 2021 giảm xuống còn 7 cặp, đến năm 2022 lại tăng lên 29 cặp. Điều đáng nói các đối tượng tảo hôn không nhận thức được tác hại cũng như ảnh hưởng đến các vấn đề về sức khỏe sinh sản của mẹ, sức khỏe của trẻ  khi được sinh ra, hay chất lượng dân số về sau.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm Ngô Văn Khánh cho biết: Tình trạng tạo hôn có xu hướng tăng trở lại sau hai năm dịch Covid-19. Trong khi đó, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như tìm ra các giải pháp để giảm tình trạng tảo hôn. Một năm thì xã chỉ tuyên truyền được 1 - 2 đợt. Ngoài ra, các cấp hội, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình lồng ghép trong các buổi họp dân để tuyên truyền. Có những cặp tảo hôn, khi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể biết, đến tuyên truyền, vận động, họ cam kết không cho con kết hôn sớm nhưng trên thực tế họ chỉ cam kết cho qua, sau đó họ lại ngấm ngầm tổ chức đám cưới. Với những trường hợp như vậy, cấp ủy, chính quyền xã cũng đành bó tay.

Để thay đổi tích cực về nhận thức của người dân, thời gian tới, xã Thạch Lâm cần sát sao trong công tác tuyên truyền, vận động và có những biện pháp mang tính răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó, có những chính sách ưu tiên, khuyến khích những hộ thực hiện tốt chính sách dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình. Qua đó, thu hút các gia đình khác cùng thực hiện tốt, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

CTV

 

 
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập