Tiêu chảy do Rota vi rút là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ, dễ lây lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thậm chí còn dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 525.000 trẻ em mỗi năm trên toàn cầu, trong đó, trẻ dưới 1 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương. Hiện nay, việc điều trị bệnh chưa có thuốc đặc hiệu. Vì thế, tiêm vắc xin Rota được xem là giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn cả.
Hình minh hoạ.
Tiêu chảy ở trẻ em có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý. Tuy nhiên, tiêu chảy do vi rút Rota là một trong những tác nhân chính gây tiêu chảy cấp tính ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Rota vi rút lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, tiếp xúc qua tay hoặc các đồ vật bị nhiễm vi-rút. Vi-rút Rota cũng có thể lây qua đường hô hấp. Khi vi rút Rota xâm nhập vào cơ thể sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2 - 3 ngày sau đó mới phát bệnh. Bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng nôn mửa trong 1 - 3 ngày, tiếp theo xuất hiện triệu chứng tiêu chảy cùng với sốt. Khi bị tiêu chảy, trẻ bị mất nước, ảnh hưởng tới thể trạng. Trẻ có thể bị tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời.
Trẻ dưới 1 tuổi là đối tượng rất dễ mắc phải các biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy. Do cơ thể trẻ chưa hoàn thiện hệ miễn dịch, khả năng chống chọi với các bệnh tật còn yếu, đặc biệt là khi mắc tiêu chảy, trẻ dễ bị mất nước nhanh chóng và dẫn đến tình trạng kiệt sức. Một khi cơ thể không được bù nước và điện giải kịp thời, tình trạng sức khỏe của trẻ có thể xấu đi nhanh chóng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng mất nước bao gồm khô miệng, da nhăn nheo, không có nước tiểu hoặc ít tiểu, mắt trũng sâu. Nếu không điều trị sớm, trẻ có thể rơi vào trạng thái suy thận cấp, sốc và tử vong.
Trẻ nhỏ rất dễ bị lây nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực đông đúc hoặc trong môi trường chưa đảm bảo vệ sinh. Do đó, việc chủ động phòng ngừa tiêu chảy do vi rút Rota là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi, khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Vắc xin Rota là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tiêu chảy cấp do vi rút Rota ở trẻ em. Theo các nghiên cứu khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, việc tiêm vắc xin Rota có thể giảm tới 60-70% nguy cơ mắc tiêu chảy nặng và giảm 90% nguy cơ nhập viện do bệnh tiêu chảy gây ra. Hơn nữa, vắc-xin này còn giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do tiêu chảy ở trẻ em, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Việc sử dụng vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi càng trở nên cần thiết, bởi đây là giai đoạn trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, đặc biệt là khi trẻ chưa hoàn toàn có hệ miễn dịch mạnh mẽ để chống lại các tác nhân gây bệnh. Việc tiêm vắc xin này không chỉ bảo vệ trẻ khỏi các biến chứng nguy hiểm do tiêu chảy mà còn giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và cộng đồng. Để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, nên cho trẻ uống liều đầu tiên càng sớm càng tốt từ 6 tuần tuổi và hoàn tất việc uống vắc-xin cho trẻ trong vòng 6 tháng tuổi.
Từ tháng 01/2025, tỉnh Cao Bằng sẽ triển khai vắc xin Rota cho trẻ em dưới 1 tuổi trong tiêm chủng mở rộng đồng loạt tại 10/10 huyện, thành phố và triển khai trong tiêm chủng thường xuyên, cùng với ngày triển khai tiêm chủng hàng tháng của các địa phương. Đối tượng là trẻ em dưới 1 tuổi; sử dụng 2 loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút là Rotarix hoặc Rotavin. Cả 2 loại vắc xin này đều được dùng qua đường uống. Mỗi trẻ được uống 2 liều vắc xin với khoảng cách: Liều 1, khi trẻ đủ 02 tháng tuổi; liều 2 ít nhất 01 tháng sau liều 1. Trường hợp trẻ chưa uống vắc xin hoặc chưa uống đủ liều cần được uống bù càng sớm càng tốt, cần hoàn thành trước 6 tháng tuổi. Cha mẹ cần lưu ý rằng liều đầu tiên trẻ uống loại vắc xin Rota nào thì các liều sau cũng phải cho trẻ uống đúng loại vắc xin của liều thứ nhất.
Mặc dù tỷ lệ xảy ra phản ứng phụ sau khi uống vắc xin Rota là rất ít nhưng cũng đã có những báo cáo về vấn đề này, cụ thể gồm: quấy khóc, sốt nhẹ, tiêu chảy mức độ nhẹ. Nếu sau khi uống vắc xin cha mẹ thấy con mình có biểu hiện nôn mửa, đau bụng dữ dội hay đi ngoài ra máu thì cần nhanh chóng đưa trẻ cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, khi cho trẻ uống vắc xin Rota, cha mẹ cũng cần nắm vững nguyên tắc là phải kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau khi dùng vắc xin. Nếu trẻ quá mẫn với thành phần có trong vắc xin, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống loại vắc xin này. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc quá nhiều lần sau khi uống vắc xin thì không nên cho trẻ uống liều kế tiếp. Trường hợp đã đến thời điểm uống vắc xin mà trẻ đang bị tiêu chảy thì cha mẹ nên đợi đến khi trẻ khỏi bệnh mới cho uống vắc xin.
Những tác dụng phụ xảy ra sau khi uống vắc xin Rota là tương đối ít và rất nhẹ nên cha mẹ không cần phải lo lắng. So với những lợi ích mà vắc xin mang lại thì các tác dụng phụ này là không đáng kể, không nên vì lo lắng đến vấn đề đó mà bỏ qua việc phòng ngừa bệnh bằng cách cho trẻ uống vắc xin Rota.
Tiêm chủng mở rộng là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giảm tỷ lệ mắc, di chứng và tử vong ở trẻ em trước nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mỗi năm đã có hàng nghìn trẻ trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng miễn phí vắc xin, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Mai Hoa