Tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân tiểu đường
Lượt xem: 458
Tình trạng đường huyết dao động không ổn định ở người mắc bệnh tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như gây mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... khi đường huyết tăng cao và hôn mê thậm chí gây tử vong khi đường huyết giảm quá mức. Việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp người mắc bệnh tiểu đường sống khoẻ mạnh và phòng tránh được các biến chứng của bệnh tiểu đường.

 

 

Để kiểm soát tốt đường huyết, người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên

 

Hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng còn rất cao. Nguy hiểm hơn là có đến 50% bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường chưa quan tâm đến các biến chứng của bệnh, làm cho bệnh ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát hơn. Vì vậy, người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát và ổn định đường huyết của mình để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết như:

- Người bệnh không tuân thủ chế độ ăn, sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao hoặc chế độ ăn kiêng khem không đủ dinh dưỡng.

- Tâm lý căng thẳng

- Mắc các bệnh cùng lúc với bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến đường huyết tăng cao.

- Thời gian uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường cùng các loại thuốc khác có thể có hiệu ứng khác nhau đối với đường huyết người bệnh.

- Tập thể dục với cường độ quá nhẹ hay quá nặng sẽ làm giảm hoặc tăng đường huyết.

Các chỉ số đường huyết mà bệnh nhân tiểu đường cần biết:

- Đường huyết an toàn trước bữa ăn: 5 mmol/l - 7,2 mmol/l; sau ăn 2 giờ: < 10 mmol/l; trước lúc đi ngủ: 6,0 10 mmol/l - 8,3 10 mmol/l

- Đường huyết không an toàn: >10 mmol/l, đây là mức đường huyết nguy hiểm, bệnh nhân cần lưu ý đến chế độ ăn cũng như sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Cách xử lý khi đường huyết không ổn định của bệnh nhân tiểu đường:

- Khi đường huyết thấp: nên ăn một ít bánh ngọt, kẹo, uống sữa hoặc nước đường và tốt nhất nên nhập viện để theo dõi và chỉnh liều thuốc hạ đường huyết.

- Khi đường huyết tăng: nên xem lại chế độ ăn, thức ăn, kiểm tra lại có quên uống thuốc hay không. Sau đó nên đi khám để được tư vấn và điều chỉnh thuốc.

Hậu quả khi đường huyết không ổn định:

Bệnh nhân tiểu đường khi đường huyết không ổn định sẽ gây ra những hậu quả tăng đường huyết kéo dài dẫn đến rối loạn chuyển hóa, rối loạn các chất... tạo ra nhiều sản phẩm thải có hại gây xơ vữa động mạch nuôi dưỡng các cơ quan, giai đoạn dẫn truyền tín hiệu đến các cơ quan sẽ làm tổn thương đến tế bào thần kinh, đây là nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng của bệnh tiểu đường trên tim, thận, mắt, chân, da hay hệ thần kinh. Nếu đường huyết quá cao >14mmol/l có thể gây ra biến chứng cấp tính nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu, người bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Để kiểm soát tốt đường huyết, người mắc bệnh tiểu đường cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Kiểm tra đường huyết thường xuyên.

 - Ngay từ lúc được chẩn đoán mắc tiểu đường, người bệnh cần biết cách tự chăm sóc và theo dõi bệnh hằng ngày.

- Tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt (đường huyết an toàn).

- Kiểm tra định kì chỉ số HbA1c (hát-bê-a-1-sê) (là chỉ số đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng): bạn nên xét nghiệm HbA1c (hát-bê-a-1-sê) tối thiểu 2 lần trong năm. Khi đường huyết không ổn định nên xét nghiệm thường xuyên hơn khoảng 3 tháng/1 lần.

- Biết cách xử lý khi đường huyết dao động nhiều, quá cao hay quá thấp.

- Tuân thủ chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng: Không nên dùng các loại đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, mứt, nước ngọt và hạn chế các loại thực phẩm giàu tinh bột như cơm, mì, hủ tiếu, cháo… Bên cạnh đó, tăng cường lượng rau và hoa quả tươi trong khẩu phần ăn, vì chất xơ ở rau quả là thành phần quan trọng làm giảm lượng đường, làm chậm hấp thu đường sau khi ăn. Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế mỡ động vật và thay thế vào đó là các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè.

- Luyện tập thể dục hằng ngày: chọn hoạt động an toàn và hiệu quả nhất như đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày là phù hợp với người bệnh tiểu đường.

- Dùng thuốc điều trị tiểu đường (uống, tiêm) đúng cách, đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

- Không hút thuốc lá.

Kiểm soát tốt đường huyết, giữ đường huyết ổn định ở mức an toàn giúp người bệnh sống cân bằng, khỏe mạnh và giảm được các biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra.

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập