Kiểm soát lây nhiễm sởi cho trẻ em
Lượt xem: 9
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người mắc sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất, bệnh chủ yếu xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

Thường xuyên lau, rửa đồ dùng, giữ cho nhà cửa, trường lớp thông thoáng, sạch sẽ.

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên cả nước tính đến ngày 30/8/2024, hệ thống giám sát ghi nhận 2.641 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi (1.033 trường hợp xác định dương tính); số nghi mắc cao hơn 10 lần và số trường hợp xác định dương tính cao hơn 32,3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (262 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/32 trường hợp xác định dương tính). Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh, thành phố theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tháng 6/2024 cho thấy: 7 tỉnh có nguy cơ rất cao là Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang; 7 tỉnh có nguy cơ cao: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau; 9 tỉnh có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh có nguy cơ thấp.

Trong buổi làm việc với Bộ Y tế, đại diện của WHO tại Việt Nam lo ngại gia tăng các ca, chùm ca bệnh bệnh sởi ở một số tỉnh thành và nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu các giải pháp về y tế công cộng khẩn cấp không được thực hiện, đặc biệt khi trẻ em đi học lại trong thời gian tới.

WHO khuyến nghị VN cần thực hiện những hành động khẩn cấp như: Tiêm vắc xin ứng phó dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi các chùm ca bệnh, ổ dịch hiện tại; thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho tất cả trẻ em đã bỏ lỡ tiêm chủng thường xuyên; tăng cường giám sát và sẵn sàng quản lý ca bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, vi rút sởi (Polinosa morbillarum) gây bệnh ở người, lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân; có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Sởi nguy hiểm do làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể nên bệnh nhân thường kèm theo biến chứng như viêm phế quản, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.

Biến chứng của bệnh sởi

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Hiện nay, bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu. Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Với trẻ nhỏ, cần chú ý không cho trẻ bị bệnh tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường.

Uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% , bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A, giúp bảo vệ mắt nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Vệ sinh thân thể, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.

Không kiêng khem trong chế độ ăn. Đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại hoa quả có màu đỏ, màu cam, uống nhiều nước.

Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý, chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.  

Thời gian người bệnh cần cách ly là từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu phát ban.  

Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, người bị sởi có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, có biểu hiện chói mắt hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh sởi

Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ; giữ nhà cửa, trường lớp thông thoáng, sạch sẽ; uống đầy đủ nước mỗi ngày.

Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.

 

Đức Giang (St)

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập