Bệnh lỵ trực khuẩn, nguyên nhân và cách phòng
Lượt xem: 55
Bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, từ người bệnh sang người lành trực tiếp qua tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Các loại côn trùng như: ruồi, nhặng, gián… làm lây lan mầm bệnh sang thức ăn.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh lỵ trực khuẩn

Đường truyền bệnh lỵ trực khuẩn:

Shigella thường lây trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng trong cùng một gia đình hoặc trong cùng nhà trẻ. Cũng có thể lây trực tiếp trong quan hệ đồng tính. Hoặc có thể lây gián tiếp qua trung gian như: đồ dùng, thực phẩm, nước, ruồi nhặng, bồn vệ sinh, ao hồ, bể bơi bị phơi nhiễm phân người bệnh.

Triệu chứng lỵ trực khuẩn

+ Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài  1- 5 ngày, người bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng.

+ Thời kỳ khởi phát: Kéo dài 1- 3 ngày, hội chứng nhiễm trùng xuất hiện đột ngột: sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn, kèm theo hội chứng lỵ gồm: đau quặn bụng, mót rặn. Phân không thành khuôn có nhầy và máu, đôi khi phân lỏng lờ máu như nước rửa thịt.

+ Thời kỳ toàn phátHội chứng lỵ được biểu hiện rõ rệt: Người bệnh đau bụng quặn từng cơn, đau vùng đại trực tràng kèm theo triệu chứng mót rặn nhiều, khiến người bệnh cảm giác muốn đi ngoài liên tục. Tiêu chảy có thể nhiều lần trong ngày, vài lần đến 20lần/ ngày, phân chủ yếu gồm nhầy và nước máu đỏ, số lượng phân ít dần sau mỗi lần đi ngoài. Người bệnh có thể biểu hiện suy kiệt, mất nước và điện giải, thậm chí sa trực tràng. Trường hợp bị bệnh nặng có thể dẫn đến rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong.

 + Thời kỳ lui bệnh: Bệnh cải thiện dần sau 1-2 tuần.

 Trên thực tế người ta phân chia bệnh lỵ thành các thể bệnh như sau:

Thể nhẹ: Bệnh nhân xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn nhẹ hoặc không rõ, thân nhiệt 37,5 - 38 độ C, hơi mệt, có hội chứng lỵ: đau quặn bụng, đi ngoài dưới 10 lần/ngày, bệnh nhân phục hồi trong vòng 1 tuần.

Thể vừa: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ điển hình. Sốt 38 - 40 độ C kéo dài từ 1 - 4 ngày, đau đầu, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp hạ. Đi tiêu chảy từ 15 - 20 lần/ngày, kèm theo dấu hiệu mất nước, với biểu hiện khát nước, môi khô. Điều trị tốt, bệnh nhân sẽ phục hồi sau 7 - 14 ngày.

 Hội chứng nhiễm khuẩn rõ rệt, kéo dài hơn 1 tuần. Hội chứng lỵ: đau quặn bụng dữ dội, mót rặn kèm mót đái không kìm được, đi tiêu chảy trên 30 lần/ngày, có khi không đếm được. Bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức, nằm đại tiện tại chỗ, hậu môn mở rộng, phân tự chảy, mắt trũng, mặt hốc hác, mạch nhanh yếu, tiếng tim mờ, huyết áp hạ, thở gấp, li bì, ngủ gà, có thể tử vong sau 3 - 7 ngày. Nếu điều trị thì sự phục hồi chậm và dễ biến chứng.

 Ở trẻ dưới 1 tuổi, ngoài những thể cấp như trên, còn gặp thể rất nhẹ, kín đáo, như rối loạn tiêu hóa: phân loãng, không sốt. Thể bệnh lỵ mạn tính: bệnh có những thời kỳ bộc phát và thuyên giảm xen kẽ.

Thể dạ dày ruột cấp: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, nôn nhiều lần, phân loãng, không có nhầy máu, đau bụng lan tỏa, sau đó bệnh có thể diễn biến như thể lỵ điển hình.

Thể tối độc: Bệnh nhân đi ngoài nhiều, phân có nhầy mủ, có khi toàn máu, có thể tử vong trong vài ngày đầu do hôn mê, trụy tim mạch.

 Ở người cao tuổi, có thể bệnh lỵ kéo dài không còn giai đoạn thuyên giảm, bệnh càng ngày càng nặng, toàn thân suy sụp dần, rối loạn tiêu hóa nặng, thiếu vitamin, thiếu máu.

 Các biến chứng lỵ trực khuẩn

 Nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh ít khi gây biến chứng, đặc biệt ở những thể nhẹ. Tuy nhiên, bệnh lỵ trực khuẩn có thể gây ra một số biến chứng như sau: có thể có rối loạn nước điện giải, sốt cao co giật, thủng ruột, sa trực tràng, nhiễm khuẩn huyết và Shock nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng do tiêu chảy kéo dài dẫn đến hôn mê và tử vong.  

 Các biện pháp phòng bệnh

Để chủ động phòng chống bệnh lỵ trực trùng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau

 1. Thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi. 

   2. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. 

  3. Sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nguồn nước công cộng.

   4. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi,  xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau. 

   5. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, sốt), cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

 

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập