Bệnh lỵ trực trùng (hay lỵ trực khuẩn) là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, từ người bệnh sang người lành trực tiếp qua tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián… làm lây lan mầm bệnh sang thức ăn.
Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát, điều tra dịch tễ ca bệnh tại xóm Chẻ Lỳ B, xã Đức Hạnh
Các triệu chứng của nhiễm lỵ trực khuẩn gồm: Người bệnh có các biểu hiện như: sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn, kèm theo hội chứng lỵ gồm: đau quặn bụng, mót rặn. Phân không thành khuôn có nhầy và máu, đôi khi phân lỏng lờ máu như nước rửa thịt. Trường hợp bị bệnh nặng có thể dẫn đến rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ ngày 29/4 đến ngày 13/5 trên địa bàn huyện Bảo Lâm ghi nhận 47 trường hợp mắc lỵ trực khuẩn tại các xã Quảng Lâm, Thạch Lâm, Đức Hạnh, trong đó 11 trường hợp tại xóm Cốc Lùng, xã Quảng Lâm; 02 trường hợp tại xóm Sác Ngà, xã Thạch Lâm; 34 trường hợp tại xã Đức Hạnh (18 trường hợp tại xóm Chè Lỳ A, 9 trường hợp tại xóm Chè Lỳ B, 7 trường hợp tại xóm Dình Phà) với các biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn, sốt nhẹ, kèm theo mót rặn đi ngoài phân lỏng nhiều lần có nhầy máu. Có 4 trường hợp được quản lý điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm và 43 trường hợp được Trạm Y tế xã cấp phát thuốc và điều trị tại nhà, hiện tại sức khoẻ ổn định, không có trường hợp tử vong.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cử 2 đoàn công tác xuống cơ sở giám sát, điều tra xác minh và hỗ trợ các xã Quảng Lâm, Thạch Lâm và Đức Hạnh trong công tác phòng, chống và xử lý ổ dịch.
Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã tổ chức họp khẩn với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tại cuộc họp lãnh đạo Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn thuộc Sở theo dõi, giám sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi về nguồn lực để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm trực tiếp thực hiện công tác khoanh vùng, xử lý các trường hợp mắc lỵ trực trùng để đảm bảo sức khoẻ cho người dân. Đồng thời cử đoàn công tác đến kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi xảy ra các ca bệnh trên địa bàn huyện Bảo Lâm.
Cử nhân Y tế công cộng Ðinh Ngọc Luân, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nguyên nhân của các ca mắc bệnh lỵ trực trùng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xảy ra tập trung ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, việc ăn, ở mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi,... Khí hậu mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều cũng là cơ hội cho các loại côn trùng (ruồi, nhặng…) truyền bệnh, vi sinh vật gây bệnh phát triển. Khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm huyện Bảo Lâm, Trạm Y tế các xã Quảng Lâm, Thạch Lâm, Đức Hạnh tăng cường sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại tất cả các xóm trên địa bàn xã, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý kịp thời tránh lây lan diện rộng. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động cho người dân thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, giảm thiểu diễn biến nặng và tử vong.
Ðồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát tình hình dịch bệnh, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả các trường hợp nghi mắc bệnh. Nhờ đó, 100% ca nhiễm bệnh lỵ trực trùng đều được phát hiện và điều trị kịp thời, không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, để phòng chống bệnh lỵ trực trùng cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Theo đó người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh; sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nguồn nước công cộng; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, sốt), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời...
Mai Hoa