Ngành Y tế tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai Đề án 06
Lượt xem: 45
Sau 2 năm nỗ lực triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngành Y tế tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả và tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ y tế, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Khám chữa bệnh cho người dân sử dụng căn cước công dân tại Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh. (ảnh Nông Thu Hạnh)

 

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành Y tế được giao nhiệm vụ thực hiện liên thông các cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là liên thông dữ liệu phục vụ các nhóm dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử và giấy khám sức khỏe lái xe được cấp tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB).

Để triển khai hiệu quả Đề án 06, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Sở Y tế đã hoàn thành 01 khóa đào tạo tập huấn thực hiện Đề án 06 cho 31/44 học viên, đạt 70 % kế hoạch, là cán bộ, công chức viên chức là thành viên tổ công tác, tổ giúp việc thực hiện thực hiện Đề án 06  của Sở Y tế trên hệ thống MOOC 1; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tiện ích khi sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký kích hoạt định danh điện tử, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo tại các cuộc họp chuyên môn trực tiếp và trực tuyến.

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 181cơ sở KCB ( trong đó có 177 cơ sở KCB công lập, 04 ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã chủ động trang bị thiết bị đọc mã QR Code để triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp tích hợp mã BHYT hoặc qua ứng dụng VNeID; Tổng cơ sở KCB BHYT đã trang bị đầu đọc CCCD gắn chip là 181/181 (đạt 100%). Công tác hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân điều trị nội trú khai báo lưu trú trên ứng dụng VNeID để phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý cư trú, làm giàu dữ liệu dân cư và từng bước số hóa dữ liệu bệnh nhân. Hiện nay, công tác khai báo lưu trú trên ứng dụng VneID đã thực hiện được 12.940/26.217 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, tỷ lệ khai báo lưu trú là 49,4%. Trong đó, khai báo lưu trú trên hệ thống ASM là 6.134 lượt 47,4% số lượt khai báo.

Đến hết ngày 14/6/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai và thực hiện 10.175 lượt bệnh nhân điều trị qua đêm, với 2.339 bệnh nhân khai báo lưu trú, đạt tỷ lệ 23% khai báo; Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh thực hiện được 2.242 lượt lượt bệnh nhân điều trị, với 1.928 bệnh nhân khai báo lưu trú, chiếm 86%. Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm thực hiện 2.519 lượt bệnh nhân, với 2.519 bệnh nhân khai báo lưu trú đạt 100%...

Đã thực hiện liên thông giấy khám sức khoẻ cho người lái xe tại các cơ sở đủ điều kiện. Tính đến thời điểm 14/6/2024 đã liên thông dữ liệu khám sức khỏe cấp giấy phép cho các cơ sở, khám được 11.674 lượt. Các khó khăn, vướng mắc trong liên thông giấy khám sức khỏe lái xe đã cơ bản được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế triển khai đảm bảo thời gian quy định.

Tính đến hết tháng 6 năm 2024, 100 % cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng giám định của BHXH và liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh cho 6.531 trường hợp; liên thông dữ liệu Giấy báo tử cho 104 trường hợp. 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí tại cơ sở y tế. 100 % cơ sở KCB đã triển khai ít nhất 1 hình thức hỗ trợ người bệnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, việc thực hiện Đề án 06 tại Sở Y tế đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu của ngành. Tuy nhiên, việc triển khai còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như:  Nhân lực chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, kỹ năng về công nghệ thông tin, máy tính chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị đã xuống cấp….

Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục rà soát để hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; ưu tiên chuyển đổi số trong toàn ngành vào các lĩnh vực: KCB, chăm sóc sức khỏe và quản trị thông minh. Đồng thời, hướng đến 2 nhóm hoạt động là chuyển đổi số để giảm sự phiền hà, chờ đợi của người dân và xây dựng y tế thông minh để tạo thêm tiện ích, tăng sự hài lòng của người dân.

 

Ngọc Anh

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập