Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số
Lượt xem: 153
Người cao tuổi (NCT) là vốn quý, nguồn lực quan trọng của xã hội, rường cột của gia đình và cộng đồng. Chính vì thế, việc triển khai các giải pháp, hoạt động chăm sóc sức khỏe (CSSK), tinh thần NCT đóng vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay.

Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang thực hiện khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại xã Thống Nhất

 

Già hóa dân số và những thách thức

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), NCT là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước quy định NCT từ 65 tuổi trở lên. Tại Việt Nam quy định NCT là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Trên thế giới, tỷ lệ người trên 60 tuổi đang tăng lên nhanh chóng hơn bất cứ nhóm tuổi nào do tuổi thọ ngày càng cao và giảm tỷ lệ sinh. Già hóa dân số trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Điều này mang đến những thách thức và cơ hội cho y tế công cộng và sự phát triển KT-XH của các nước.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có gần 12 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi). Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên trên 25%. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ DS già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Tại Cao Bằng, tính đến tháng 12/2023, dân số toàn tỉnh là 547.879 người, trong đó, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên là 50.206 người, chiếm 13,7%; số người từ 70 tuổi trở lên là 19.776 người, chiếm 3,7%; số người từ 80 tuổi trở lên là 13.662 người. Dự kiến, tỷ lệ NCT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng theo thời gian.

Tuổi thọ trung bình của NCT tăng lên kèm theo đó là gánh nặng bệnh tật. Già hoá dân số mang lại cơ hội phát huy kinh nghiệm của NCT, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức như giảm khả năng lao động, giảm thu nhập và sức khoẻ suy giảm… Điều này tạo ra áp lực lớn đối với chính sách nhằm bảo đảm cuộc sống khoẻ mạnh, tinh thần tốt và thu nhập ổn định cho NCT. Trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ,…

Như vậy, trước những cơ hội và thách thức từ già hóa dân số, việc cần làm hiện nay là tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích tạo ra động lực để người cao tuổi đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. 

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - nhiệm vụ then chốt hàng đầu

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh trong chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm “tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân sô từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Đây là “kim chỉ nam” của công tác dân số trong tình hình mới.

Nhiều chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống nhằm giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Chương trình CSSK NCT đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), để nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, vừa qua, nhiều hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa đã được triển khai; trong đó, điển hình là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Tại Cao Bằng thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để chăm sóc toàn diện, giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Ngành Y tế tỉnh nỗ lực củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho NCT. Cùng với đó, nhiều hoạt động CSSK NCT được quan tâm thực hiện như: lập hồ sơ quản lý sức khỏe NCT tại cơ sở; khám sức khỏe định kỳ, phát thuốc miễn phí;... Chiến dịch CSSK NCT được triển khai, thực hiện tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh giúp NCT được tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại địa phương. Kết quả riêng năm 2023 đã tổ chức 103 Chiến dịch truyền thông phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, già hóa dân số lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi với sự tham gia của 12.852 lượt người. Chi cục Dân số đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức được 18 cuộc nói chuyện chuyên đề tại 18 Câu lạc bộ Liên Thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn toàn tỉnh về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số với 839 người tham dự.

Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ người cao tuổi cần quan tâm tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh sự quan tâm của gia đình và xã hội giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần thì để chăm sóc sức khỏe thể chất người cao tuổi, chúng ta cần chú ý những điều sau: 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng là một yếu tố không thể bỏ qua. Nếu biết cách cân bằng dinh dưỡng cho người cao tuổi, họ sẽ có sức khỏe tốt và tinh thần lạc quan. Người cao tuổi cần ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất (gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Nên ăn các thức ăn thực vật như: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm,… vì người cao tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Ở đậu, lạc, vừng và cá đều có nhiều chất đạm lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, khi ăn, cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món chiên, nướng. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.

Những người lớn tuổi thường uống ít nước, trong khi đó, nước lại có công dụng rất lớn trong việc hỗ trợ tiêu hóa, đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Vì vậy, người cao tuổi nên uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày, chủ động uống nước ngay cả khi chưa thấy khát. Nên uống mỗi ngày 1 ly sữa ít béo, ít đường để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể; người cao tuổi cần sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đúng giờ, kết hợp vận động để tiêu hóa tốt hơn, cải thiện sức khỏe.     

Vận động và luyện tập thể dục thường xuyên: vận động thường xuyên giúp giảm các vấn đề liên quan đến tuổi tác và lão hóa. Luyện tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý. Người cao tuổi nên chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe, sở thích, dễ thực hiện như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, yoga, chơi cờ,...

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần: thông qua việc làm này có thể giúp người cao tuổi phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn nếu có.

Trước bối cảnh già hóa dân số đòi hỏi cần phải có những giải pháp thiết thực chăm lo toàn diện NCT như tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT; bảo trợ, giúp đỡ NCT gặp khó khăn, neo đơn;... Qua đó, giúp NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích”; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình.

Mai Hoa

 

 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập