Một số biện pháp phòng bệnh và cách điều trị Tăng huyết áp
Lượt xem: 250
Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương một số cơ quan trong cơ thể, như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Khám bệnh cho người dân tại BVĐK tỉnh Cao Bằng.

 

Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2019 cho thấy, tỷ lệ mắc tăng huyết áp tại Việt Nam lên đến 47,3% ở những người trên 25 tuổi, tức là cứ 2 người trưởng thành lại có 1 người bị tăng huyết áp.

Tại Cao Bằng, số bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện, quản lý và đang điều trị tính đến tháng 3 năm 2022 là trên 19 nghìn người. Tỷ lệ kiểm soát bệnh chưa cao, đây là một chứng bệnh nguy hiểm và có tính chất lâu dài nên việc phòng ngừa hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp chỉ phát hiện tăng huyết áp lúc biến chứng đã xảy ra, để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Nguyên nhân của tăng huyết áp:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, theo đó chia thành hai loại, đó là: Tăng huyết áp nguyên phát và Tăng huyết áp thứ phát; Trong đó, khoảng 90 - 95% là tăng huyết áp nguyên phát mà các nguyên nhân không xác định được. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng, có thể từ tim mạch, hoặc nguyên nhân do các bệnh khác liên quan đến tim mạch, thận.

Tăng huyết áp có nguyên nhân từ các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tăng huyết áp thường gặp là ở tuổi cao, do di truyền, lối sống không lành mạnh, như thường xuyên sử dụng chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, lười vận động thể lực; những người thừa cân, béo phì, thường xuyên ăn mặn.

Điều trị tăng huyết áp:

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu không điều trị đúng và thay đổi lối sống sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ biến chứng nặng tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, mục tiêu khi điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân là loại bỏ yếu tố nguy cơ, kiểm soát mức huyết áp đề phòng biến chứng.

Các nghiên cứu đều cho thấy, điều trị tăng huyết áp làm giảm biến cố tim mạch. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chỉ điều trị thuốc hạ áp đối với dự phòng đột quỵ và tử vong do bệnh mạch vành hiệu quả lại không cao.

Vì vậy, đối với điều trị tăng huyết áp cần sự tuân thủ lâu dài của người bệnh. Thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và ở cơ sở y tế, chỉnh liều thuốc hạ áp một cách thích hợp, để đạt mục tiêu huyết áp chấp nhận được.

Phòng bệnh tăng huyết áp:

Người bệnh cần thay đổi lối sống, trong đó cần chú ý đến kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu béo phì, giảm ăn muối và chất béo bão hòa, giảm lượng calo trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và bổ sung calci, kali… Đây là điều cực kỳ quan trọng và là yếu tố kết hợp dùng thuốc.

Những thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc là 2 biện pháp song song không thể tách riêng. Theo nghiên cứu với những bệnh nhân tiền tăng huyết áp (nằm giữa 120/80 và 140/90 mmHg) việc thay đổi lối sống đã được khuyến cáo để ngăn ngừa sự tiến triển thành tăng huyết áp thực sự.

Các nhà nghiên cứu cho thấy, nếu thay đổi lối sống ở người béo phì, nếu giảm 4,5kg có thể giúp hạ huyết áp, chế độ ăn nhiều hoa quả, ít đạm muối có thể giúp hạ huyết áp (ăn ít hơn 6g muối/ngày rất tốt cho tim mạch).

Bên cạnh đó, người tăng huyết áp nên rèn luyện thể lực thường xuyên, đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày. Không hút thuốc lá, thuốc lào để bảo vệ tim mạch.

Điều trị tăng huyết áp là cá thể hóa điều trị và điều trị suốt đời. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc ngay cả khi huyết áp được kiểm soát. Nếu ngừng thuốc đột ngột, huyết áp tăng mạnh và nguy cơ xảy ra biến chứng lúc này là cao nhất.

 

Đức Giang

 

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập