Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm và một số khuyến cáo để phòng ngộ độc thực phẩm
Lượt xem: 69
Dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân gia tăng, nếu không biết cách giữ gìn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dẫn tới nguy cơ cao mắc ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cả gia đình.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm 

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hoá học hoặc ngay trong bản thân thực phẩm đã có sẵn chất độc. Nguyên nhân chính khiến thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh là do trong quá trình chế biến, bảo quản không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm bị ôi thiu; thực phẩm ô nhiễm hóa học do bị nhiễm các loại hóa chất dùng trong tăng trưởng cây trồng, hóa chất diệt sâu bọ, côn trùng, hóa chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm.

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Với một số triệu chứng điển hình về đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy,…

Đối với các trường hợp nặng như nôn, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Thực hiện tốt các khuyến để phòng ngừa ngộ độc 

Trong thời gian tới có nhiều lễ hội, sự kiện diễn ra trong phạm vi cả nước, đặc biệt là Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp tết và mùa lễ hội sắp tới, người tiêu dùng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau: 

Chỉ mua và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Dùng thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có đầy đủ nhãn ghi thành phần, nơi sản xuất và thời hạn sử dụng rõ ràng. Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn. Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh: Rau quả phải tươi, không dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Thịt, cá và các loại thủy sản cần tươi, giữ màu sắc bình thường không có mùi ươn hôi. Trứng cần chọn quả vỏ sáng màu, không bị những vết xám đen, không bị dập. Khi soi trứng qua ánh sáng thì trứng có màu hồng trong suốt. 

Đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn gỏi sống, tiết canh. 

Dùng nước sạch để rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến và nấu nướng thức ăn.

Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu: Rửa thịt, cá và các loại thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu. Với các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu. Dụng cụ nhà bếp (như dao, thớt,…) dùng để chế biến thức ăn sống phải riêng biệt thức ăn chín. 

Ăn ngay thức ăn vừa nấu chín xong. Bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng và che đậy kín tránh bụi và ruồi.

Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và nấu nướng.

Không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học không đủ tiêu chuẩn cho phép để chế biến thực phẩm. 

Ngoài ra, không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng.

Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Bảo An

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập