Những điều cần biết và cách phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona
Lượt xem: 843

Kể từ những ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều Thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Rửa tay bằng xà phòng giúp phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. (Trọng Thụ)

 

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, 10 giờ 00, ngày 06/02/2020, trên Thế giới có 28.276 người mắc, 565 người tử vong, trong đó Lục địa Trung Quốc 563 người tử vong, Phillippines có 01 trường hợp tử vong; Hồng Kông (Trung Quốc): 01 người tử vong; tại Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp mắc.

1. Chủng mới của vi rút corona (nCoV)là gì?

Đây là một loại vi rút đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Vi rút này là chủng vi rút mới chưa được xác định trước đó.

2. Cơ chế lây lan của vi rút nCoV:

Vi rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, vi rút lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng vi rút, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. 

Vi rút cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm vi rút khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Thời gian ủ bệnh biến thiên từ 1-14 ngày. Một báo cáo gần đây của các bác sĩ Trung Quốc dựa trên 425 bệnh nhân ở Vũ Hán, thời gian ủ bệnh trung bình 5-7 ngày. Tuy nhiên 14 ngày là giới hạn cuối cùng để xác định có bị lây bệnh hay không.

3. Biểu hiện nhận biết khi mắc nCoV:

 Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong. Đặc biệt ở những người cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV), suy giảm sức đề kháng, những người có bệnh mạn tính (suy tim, suy thận, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính…) tình trạng bệnh càng nặng hơn và có thể gây tử vong cao. Ngoài ra trẻ em và người già là lứa tuổi có nguy cơ biến chứng nhất. Vì trẻ nhỏ sức đề kháng chưa hoàn thiện, dễ bị bùng phát mạnh hơn. Người lớn tuổi sức đề kháng lại yếu, khả năng biến chứng cao hơn.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, cần chú ý đến vấn đề dịch tễ để có thể nhận biết và nghi ngờ mắc nCoV. Ở thời điểm hiện tại nếu những người có đi đến, du lịch, sinh sống từ vùng dịch trở về hoặc có tiếp xúc với những người từ vùng dịch về hay trực tiếp chăm sóc, ở chung với những bệnh nhân đã được xác đinh bị viêm đường hô hấp cấp do nCoV thì phải nghĩ tới đây là bệnh cảnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

4. Các biện pháp phòng bệnh:

Vi rút nCoV gây ra các triệu chứng nặng và nhẹ khác nhau tùy thuộc vào mỗi cá thể nhiễm bệnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy việc chủ động phòng bệnh là hết sức cần thiết. Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 02 mét khi tiếp xúc.

- Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

- Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như: sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng… Theo đó, đối với người dân tại cộng đồng, áp dụng đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường. Đối với khẩu trang y tế thông thường: Đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên, che kín cả mũi lẫn miệng. Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác. Tránh dùng tay cầm vào bề mặt khẩu trang để tháo ra. Đối với khẩu trang vải: cách sử dụng cũng tương tự như khẩu trang y tế thông thường nhưng nên giặt khẩu trang hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau.

- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

Đối với những trường hợp vừa trở về từ Trung Quốc, cần lưu ý một số điều sau:tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày. Để được hỗ trợ khi cần, cần khai báo với các cơ sở ở nơi gần nhất

Đối với những trường hợp đến Trung Quốc, cần lưu ý một số vấn đề sau: Không nên đến Trung Quốc trong dịp này nếu không có việc thực sự cần thiết. Với những trường hợp bắt buộc, hạn chế ra khỏi nhà, áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phải thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để được tư vấn, thăm khám, điều trị kịp thời

Để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất, cần gọi điện trước để thông tin về triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây.

Tình hình diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV ngày càng trở nên phức tạp, Bộ Y tế đã liên tục đưa ra các khuyến cáo đến người dân để tự bảo vệ sức khoẻ của chính mình. Nâng cao cảnh giác phòng bệnh là cần thiết nhưng mỗi người cũng cần hết sức bình tĩnh, tránh hoang mang, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời nhằm phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona lây lan trên diện rộng.

 

                                                                                      Hà Chi

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập