Tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người
Lượt xem: 1984

Theo ước tính, mỗi năm tại nước ta có gần 70 triệu lít rượu, bia được tiêu thụ và đứng trong tốp 10 quốc gia có số lượng bia, rượu bình quân được sử dụng. Vì vậy rượu, bia được coi là đồ uống được sử dụng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày từ thành thị đến nông thôn, trong dịp liên hoan, cưới hỏi, là khi Tết đến, mùa hè oi nóng. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực để chúc nhau những điều tốt đẹp nhất vốn là một nét văn hóa ở nước ta. Tuy nhiên, hành vi sử dụng rượu, bia quá nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; bên cạnh đó khi điều khiển phương tiện giao thống khi đã sử dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tại nạn giao thông, gây thương tích và cướp đi sinh mạng rất nhiều người.

(ảnh minh hoạ)

 

Các nghiên cứu khoa học có bằng chứng cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như rối loạn tâm thần, bệnh về gan, bệnh về tim mạch... Mặt khác, rượu nằm trong nhóm chất hướng thần gây nghiện nên dễ gây cho người uống có xu hướng tăng liều sử dụng và dễ bị lệ thuộc sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Rượu với chức năng gan: Gan là nơi chuyển hóa tất cả chất cồn từ rượu, bia sau khi uống vào cơ thể. Trong quá trình này, gan phải chuyển hóa và đào thải rất nhiều độc tố. Nếu tần suất uống rượu, bia nhiều, theo thời gian gan bị tổn thương và tích tụ nhiều chất béo dẫn tới gan nhiễm mỡ. Chất béo hạn chế lưu lượng máu đến các tế bào gan, khiến gan bị suy và dần mất chức năng, trở thành mô sẹo. Sử dụng rượu bia liên tục và trong thời gian dài mô sẹo tại gan sẽ tăng lên và không hồi phục được có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.

Ảnh hưởng tới não bộ: Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể chúng gây rối loạn các xung tế bào thần kinh, khiến bộ não của chúng ta không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra rối loạn tâm thần như nảy sinh suy nghĩ, hành động tiêu cực,  đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát, suy giảm trí nhớ, hoang tưởng…

Ảnh hưởng đến tim mạch: Rượu bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, tăng nhịp tim có thể gây ra suy tim. Dùng rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa; Rượu bia nguy cơ hàng đầu mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim…là nguyên nhân của đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Tác hại đến thận: Vai trò quan trọng nhất của thận là lọc máu để loại bỏ các chất độc hại ra ngoài cơ thể. Khi uống nhiều rượu bia có thể làm thay đổi chức năng của thận và khiến thận không thể lọc máu dẫn đến suy thận.

Tác hại đến dạ dày:  Theo một số nghiên cứu, khi rượu bia vào trong cơ thể sẽ bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây viêm loét dạ dày; Rượu kích thích niêm mạc dạ dày tiết nhiều axit tiêu hóa hơn, khi rượu và cả axit tích tụ trong dạ dày có thể gây ra tình trạng buồn nôn và nôn.

Làm tổn thương tuyến tụy, gây tiểu đường:  Thông thường, tụy là nơi sản xuất insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và các hooc-môn khác giúp tiêu hóa thức ăn. Khi uống nhiều rượu dần tuyến tụy bị mất chức năng, không thể tạo ra insulin, bạn sẽ bị mắc tiểu đường type 2. Cùng với đó, các độc chất tích tụ vào tụy có thể gây viêm tụy hoặc dẫn đến làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. 

Gây loãng xương, tiêu cơ bắp:  Tiêu thụ nhiều rượu có thể làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Cùng với cách nó ảnh hưởng đến các hooc-môn tăng tưởng, rượu sẽ ngăn chặn quá trình hình thành tế bào xương mới. Khi đó, bạn sẽ dễ bị loãng xương; Chất cồn hạn chế máu đến cơ bắp, theo thời gian sẽ khiến bạn bị tiêu giảm cơ bắp và yếu hơn.

Nguy cơ đối với phụ nữ mang thai: Bất kỳ đồ uống có cồn nào trong thời kỳ mang thai cũng đều có thể gây hại. Việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh có nguy cơ gây ra các vấn đề về thể chất, nhận thức và hành vi ở trẻ em. Những vấn đề này nằm trong rối loạn phổ rượu thai nhi (FASD), gây tổn thương trí não ở trẻ sơ sinh và hạn chế tăng trưởng ở thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ uống rượu trong khi mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non.

Rượu và tai nạn giao thông: Thường thấy là mất khả năng kiềm chế, mất khả năng kiểm soát hoạt động cơ thể, không tự chủ hành vi... Đây là lý do không làm chủ tay lái, phóng xe nhanh, chạy ẩu gây tai nạn cho chính người uống rượu và cho người khác.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng…mỗi cá nhân nên thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định của Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế về hành vi sử dụng rượu, bia.

Tuân thủ, thực hiện các quy định về  phòng, chống tác hại của rượu, bia; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định số 100/2019/ NĐ-CP ngày 31/12/2019; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải; đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Hãy hạn chế uống rượu, bia vì khi đã sử dụng sẽ không có ngưỡng nào là an toàn. Người dân có ý thức sử dụng sao cho vừa đủ vui, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, để không xảy ra những tai họa, những điều bất hạnh cho chính gia đình mình và xã hội.

Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. 

Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

 

Ngọc Anh

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập