Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh Bạch hầu
Lượt xem: 251
Bệnh Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, mũi, thanh quản, ở da và các vùng niêm mạc khác… Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm chủng, bệnh gây ra nhiều biến chứng và có khả năng tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Ngoài ra tiếp xúc với người bị bệnh qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn Bạch hầu.
Dịch Bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng điển hình như:
- Sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn.
- Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
- Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
- Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn Bạch hầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra những biến chứng sau:
- Viêm cơ tim: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Viêm cơ tim có thể xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh, nhưng cũng có thể muộn hơn, từ 15 đến 40 ngày. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thường tiên lượng xấu.
- Trường hợp bệnh Bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh - khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
- Biến chứng thần kinh: Thường xảy ra sau vài tuần. Xuất hiện triệu chứng lác mắt, liệt cơ hoành, liệt một hoặc nhiều chi, viêm đa dây thần kinh ngoại biên. Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
- Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Người bị bệnh Bạch hầu cần được phát hiện sớm và đưa ngay tới cơ sở y tế để được điều trị, chăm sóc và phòng lây lan. Để chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm Vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu. Hiện nay, văccin “5 trong 1” phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B và Viêm màng não mủ (Hib) được tiêm cho trẻ theo lịch:
+Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
+Mũi 2: tiêm khi trẻ 3 tháng tuổi
+Mũi 3: tiêm khi trẻ 4 tháng tuổi
+Mũi 4: tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm Vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bệnh Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong tuy nhiên các triệu chứng của bệnh Bạch hầu có thể nhầm lẫn với một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Do vậy, khi có những triệu chứng như: đau họng nghiêm trọng hoặc không có khả năng nuốt, cổ sưng, khó thở, tức ngực… và tiếp xúc với người nghi ngờ mắc Bạch hầu cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị để tránh những biến chứng do đến muộn.
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập