Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Lượt xem: 342

Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thời tiết vào thời điểm giao mùa liên tục thay đổi, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan. Do đó, công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cần quyết liệt, nghiêm túc, không để "dịch chồng dịch".

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Phòng tiêm Sapo thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ảnh: Trọng Thụ

Khi thời tiết chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng, nhiều người mắc triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm như: cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, tiêu chảy, tay chân miệng... Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận gần 500 trường hợp bệnh nhân đến khám với các dấu hiệu của các bệnh nhiễm khuẩn, vi rút. Trong đó, 50% mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm họng, phế quản, tiểu phế quản, phổi...

Chị Hà Thị Dung, xã Quốc Toản (Quảng Hòa) đang chăm con bị bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, lúc mưa lúc nắng, nhiệt độ  tăng đột ngột nên con tôi bị viêm đường hô hấp. Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe của cháu tiến triển tốt, không còn sốt, khó thở nữa.

Tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hằng ngày người nhà bệnh nhân được bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng cách, khoa học, chú ý bảo vệ trẻ từ những việc nhỏ nhất như cho trẻ rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, căn cứ vào thời tiết và sức khỏe của trẻ để biết con cần mặc quần áo nhiều hay ít. Theo bác sĩ Chuyên khoa I Bùi Thị Trang, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đối với trẻ dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch còn yếu, khó thích nghi với biến đổi của môi trường nên dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt là hệ hô hấp - cơ quan cửa ngõ tiếp xúc với không khí bên ngoài, dễ bị vi rút, vi khuẩn bị xâm nhập và tấn công. Trẻ có thể viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, phế quản, tiểu phế quản rồi tiến triển thành viêm phổi, suy hô hấp nếu không điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh hiệu quả cho bản thân và các thành viên trong gia đình, các chuyên gia y tế cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng các biện pháp cho con em mình tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và nếu có điều kiện có thể tiêm thêm một số loại vắc xin theo dịch vụ như cúm, viêm não Nhật Bản; giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa bằng nước ấm thường xuyên để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh khi cầm nắm đồ chơi bẩn; cho bé ăn uống đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, nhóm chất betaglucan..., giúp trẻ tăng cường thể chất, sức đề kháng nhằm đẩy lùi bệnh tật.

Theo thống kê trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 126 ca mắc bệnh do Adeno vi rút, 1.815 ca mắc cúm thường, 22 ca mắc quai bị, 44 ca mắc thủy đậu, 1.093 ca mắc tiêu chảy. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong. Để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, không để bùng phát dịch, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè và triển khai nhiều hoạt động cụ thể trên địa bàn các huyện, Thành phố. Chú trọng công tác tiêm chủng, không chỉ đảm bảo các mũi tiêm cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà còn vận động toàn thể nhân dân tiêm phòng nhắc lại các mũi nhằm tăng kháng thể chống lại bệnh tật.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, Thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tập trung giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân trên hệ thống đài phát thanh xã, phường, thị trấn; kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám, chữa bệnh; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom xử lý ổ bọ gậy; tổ chức phun hóa chất chống dịch; thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các xã, phường trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra.

Bác sĩ CKI Bế Thị Bạch, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Năm nay, theo thống kê sơ bộ, các ca bệnh như cúm, thủy đậu, tiêu chảy... có xu hướng giảm so với năm 2021. Song, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống các bệnh trong mùa hè, tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, Trung tâm chủ động phối hợp với trung tâm y tế các huyện, Thành phố giám sát các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch. Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Ngành Y tế khuyến cáo để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, trước hết người dân cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan. Chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh bằng việc tiêm đủ vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn.          

 

CTV

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập