Vai trò quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ
Lượt xem: 142
Vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là chiều cao. Trẻ em được cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng thì mới khỏe mạnh, phát triển cả chiều cao và trí tuệ.

Viên chức Trạm Y tế xã Đại Tiến, huyện Hoà An hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ và phụ nữ mang thai trên địa bàn xã.

 

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng 01- 02/6 hàng năm. Tại Trạm Y tế các xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều tổ chức hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ và phụ nữ mang thai tại địa phương; tuyên truyền vai trò quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể, khi cơ thể bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các vi rút, vi khuẩn gây bệnh.

Các Vitamin và khoáng chất tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành, duy trì hoạt động của những bộ phận trong cơ thể. Đồng thời, giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng để ngăn chặn những tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Vi chất dinh dưỡng còn góp phần chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể và phục hồi các tế bào, mô bị tổn thương; tạo các hormone, tham gia quá trình chuyển hóa, bài tiết… Tất cả các yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe và ảnh hưởng lâu dài tới sự tăng trưởng của trẻ.

Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng

Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ. Ảnh hưởng đến sức khỏe và năng xuất học tập, nặng có thể tử vong. Thông thường, khi trẻ đã có biểu hiện suy dinh dưỡng, biếng ăn, hay quấy khóc, thấp còi, mọc răng chậm, da xanh xao… thì cha mẹ mới đưa con đi khám. Lúc này, việc cải thiện gặp nhiều khó khăn và những ảnh hưởng lâu dài không thể khắc phục được.

Một số ảnh hưởng do thiếu vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng của Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ sung không đúng liều lượng, nếu thiếu hoặc thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Có một số bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng tác động đến sức khỏe cộng đồng là bướu cổ do thiếu iốt; thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt và khô mắt do thiếu vitamin A; còi xương do thiếu vitamin D; Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm.

Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt

Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia quá̉ trình vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Khi bị thiếu máu, trẻ thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn.

Do vậy, cần bổ sung sắt từ hai nguồn thức ăn: thức ăn động vật (thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, bầu dục, cá...) và thức ăn thực vật (đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương...).

Còi xương do thiếu canxi và vitamin D

Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Biểu hiện sớm của còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương…

Các thực phẩm có nhiều canxi gồm: tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi... Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà...

Bướu cổ do thiếu iốt

Iốt là vi chất dinh dưỡng rất cần cho tổng hợp hormon tuyến giáp, duy trì thân nhiệt, phát triển xương, phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Khi cơ thể bị thiếu iốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Trẻ bị thiếu iốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, học kém, thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn.

Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo…

Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm

Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao.

Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, so, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương (đậu nành)...

Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt

Vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ lớn và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu, trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng sẽ bị khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.

Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn... rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ)…

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn, các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung. Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh tật.

 

Đức Giang

 

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập