Phòng ngừa các yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Lượt xem: 1095
Trong quá trình làm việc, người lao động thường xuyên tiếp xúc với máy móc, thiết bị hoặc môi trường làm việc có tiếng ồn, khói, bụi... Do vậy, họ phải đối diện với nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn và biện pháp phòng hộ.

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại Phòng khám đa khoa, chuyên khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Trọng Thụ

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp mà người lao động ở ngành nghề nào cũng có thể mắc. Nguyên nhân là do người lao động tiếp xúc thường xuyên, lâu dài trong môi trường không bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiềm ẩn yếu tố độc hại.

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao độngThông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp và Thông tư số 28/2016/TT/BYT ngày 30/6/2016, của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệphằng năm doanh nghiệp phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Việc quan trắc môi trường lao động rất quan trọng bởi từ kết quả các mẫu đo cụ thể (tùy lĩnh vực sản xuất), đơn vị đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp, từ đó, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho lao động để sớm sàng lọc, phát hiện, giúp người lao động điều trị bệnh lý kịp thời, qua đây chủ doanh nghiệp có giải pháp đầu tư trang thiết bị cải thiện môi trường làm việc.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động nêu rõ, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và thực hiện đầy đủ chế độ đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Thêm vào đó, khoản 2, Điều 21 Luật này cũng quy định, khi khám sức khỏe theo định kỳ cho người lao động, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho những người lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Theo Thông tư 28/2016/TT/BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp quy định việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được thực hiện từ 1 lần/năm đến 2 lần/năm, tùy đối tượng người lao động.

Thậm chí, số lần khám bệnh trong năm còn có thể nhiều hơn nếu nghi ngờ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do người sử dụng lao động hoặc người lao động chủ động đề nghị.

Cụ thể, thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được quy định tại Điều 7 Thông tư 28/2016/TT-BYT và Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Được khám bệnh nghề nghiệp 2 lần năm (Ít nhất 6 tháng/lần).

Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp: Được khám bệnh nghề nghiệp 1 lần năm (Ít nhất 1 năm/lần).

Người lao động không thuộc các trường hợp trên mà chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp: Được khám bệnh nghề nghiệp 1 lần năm (Ít nhất 1 năm/lần).

Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người lao động: Được khám bệnh nghề nghiệp với số lần không giới hạn theo đề nghị của doanh nghiệp hoặc người lao động.

Chi phí cho việc tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động chi trả. Khoản chi phí này được hạch toán vào các khoản được trừ để giảm bớt thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cho công ty (theo Khoản 6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động).

Tuy nhiên, trên thực tế công tác chăm sóc sức khỏe người lao động chưa được nhiều chủ sử dụng lao động quan tâm thường xuyên. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã thực hiện giám sát môi trường lao động tại 4 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát gồm triển khai thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động; quản lý sức khỏe người lao động; chế độ kinh phí chi trả cho các hoạt động quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và công tác thống kê, báo cáo tại các cơ sở lao động. Kết quả giám sát có 3/4 đơn vị chưa thực hiện khám sức khỏe khoẻ định kỳ, chưa lập hồ sơ vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 Ngày 17/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2306 về chăm sóc và nâng cao Sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh Cao BằngTrong đó xác định một số mục tiêu cơ bản đến năm 2030 như: Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030quản lý được 50% số cơ sở lao động vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030kiểm tra 30% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và 50% vào năm 2030Đến năm 2025 lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở (theo Đề án Xây dựng và phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới)100% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

Theo bà Nông Thị Thu Lê, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng để hoàn thành kế hoạch chăm sóc và nâng cao Sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động; đổi mới dây chuyền công nghệ; xây dựng, hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn lao động; tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; chấp hành tốt công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập