Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ khi mắc bệnh sởi và rubella
Lượt xem: 54
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của trẻ. Do đó chế độ dinh dưỡng trong dự phòng và hỗ trợ trong quá trình điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi và rubella là rất quan trọng, góp phần tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật cũng như làm giảm các triệu chứng khi đã mắc. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm vitamin và chất khoáng), không nên cho trẻ ăn quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng đã mất đi trong quá trình trẻ mắc bệnh, giúp trẻ mau phục hồi.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm vitamin và chất khoáng)

Protein: Cần cho người bệnh ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như: thịt, cátrứng, sữa, hải sản.

Vitamin A: Vitamin A có chức năng bảo tồn tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch. Khi thiếu vitamin A sẽ gây mệt mỏi, giảm thị lực, dễ mắc các bệnh về hô hấp và da. Với người bệnh mắc sởi và rubella, vitamin A đặc biệt cần thiết giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh như tình trạng khô loét giác mạc, viêm phổi… Nhóm thực phẩm giàu vitamin A bao gồm các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà chua, cà rốt, khoai lang, ớt chuông, bí đỏ, cam, quýt, xoài, đu đủ, dưa hấu, thanh long…), các loại rau sẫm màu (rau cải, rau muống, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, bông cải xanh…).

Vitamin C: Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng và giúp phục hồi nhanh chóng. Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như: Cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, táo, lê và các loại rau như: rau ngót, rau dền, rau đay, mồng tơi, rau muống…

Kẽm:  Kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ. Kẽm có trong tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...)

Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn hợp lý bổ sung cho trẻ khi bị mắc bệnhngười chăm sóc trẻ và các bậc phụ huynh cần lưu ý và thực hiện tốt các biện pháp sau:

Rửa tay trước khi chế biến thức ăn và khi cho người bệnh ăn.

Chế biến các món ăn hợp khẩu vị người bệnh và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và góp phần phòng bệnh cho trẻ.

Tránh các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ nướng, xông khói… cũng như các gia vị cay nóng nhướt, hạt tiêu… điều này sẽ khiến người bệnh bị nóng trong người, gây cảm giác khó chịu.

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và trong các Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella tại các cơ sở tiêm chủng và Trạm Y tế trên địa bàn để phòng chống bệnh sởi - rubella cho trẻ.

 

                                                                                           Ngọc Anh (st) 

 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập