Cúm A(H5N1), nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng
Lượt xem: 43
Bệnh cúm gia cầm lây sang người A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng vi rút cúm A(H5N1). Tại Cam-pu-chia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh cúm A(H5N1) trên người từ cuối năm 2023. Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 06 ổ dịch cúm gia cầm tại 06 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Mới đây, ngày 23/3/2024, có 1 bệnh nhân ở tỉnh Khánh Hòa đã tử vong do mắc cúm A (H5N1). Đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 đến nay sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10/2022, tại  Phú Thọ đã ghi nhận 01 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%). Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnhtiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Không có bằng chứng về việc bệnh có thể lây lan sang người thông qua thực phẩm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ cũng như việc lây truyền từ người sang người.

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh cúm A(H5N1) ở người

 Người nhiễm vi rút cúm A(H5N1) thường có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Những dấu hiệu cơ bảnbệnh cúm A(H5N1) cần lưu ýSốt cao liên tục trên 38oC, có thể rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu ócHo, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên... Khó thở, thở nhanh, tím tái. Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc. Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng.

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm A(H5N1)

 Giai đoạn khởi phát: Sau giai đoạn ủ bệnh, người bệnh đột ngột sốt cao trên 380c độ, đau nhức, mệt mỏi khắp toàn thân, chán ăn, uể oải.

 Giai đoạn toàn phát: Sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, người nhiễm cúm A(H5N1) sẽ gặp các dấu hiệu nhận biết bệnh rõ ràng như: Sốt cao liên tục: Do ảnh hưởng của hệ thần kinh trung ương, người bệnh có thể lâm vào tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức, giảm trí nhớ, mất tỉnh táo, đau rát họng, mệt mỏi, da nóng, đỏXuất hiện cơn ho, thường ho khan, một số ho có đờmĐau nhức toàn thân, đặc biệt là đau đầu, đau quanh hốc mắt, thái dương. Đau xương, khớp, cẳng chân và vùng thắt lưng dữ dội.

 Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi rút A (H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người (khoảng 50% trường hợp mắc). Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và xuất hiện những triệu chứng cảnh báo trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Biến chứng bệnh cúm (AH5N1)

Người mắc cúm A(H5N1) có diễn tiến nặng chỉ sau nửa ngày nếu không điều trị kịp thời. Vi rút cúm A(H5N1) khiến người bệnh bị suy đường hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy và gây tổn thương các phủ tạng quan trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng.

Bệnh cúm A(H5N1) khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là nguồn khởi phát cho các biến chứng:

Tổn thương hệ hô hấp: đây là biến chứng thường gặp nhất khi vi rút cúm A(H5N1) tấn công, gây bội nhiễm phế quản - phổi, viêm phổi.

Bội nhiễm Tai - Mũi - Họng: biến chứng này phổ biến ở trẻ nhỏ.

Suy đa tạng: Các bộ phận quan trọng như: thận, gan, não bị ảnh hưởng khi bệnh cúm A(H5N1) diễn tiến nặng. Hệ miễn dịch trở nên suy yếu do số lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính giảm mạnh.

Ngoài ra, các hội chứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra ví dụ như: đông máu nội mạch rải rác, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim… Người bệnh cũng có thể bị phù não, viêm màng não lympho.

Các biện pháp phòng ngừa cúm A(H5N1)

Cúm là loại vi rút có nhiều chủng loại và biến đổi hàng năm, kể cả chủng A(H5N1) cũng liên tục đột biến. Đến nay, vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu cúm A(H5N1), để chủ động phòng chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bảo An

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập