Các biện pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp
Lượt xem: 1200
Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp mà người lao động ở ngành nghề nào cũng có thể mắc.

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại Phòng khám đa khoa, chuyên khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ảnh: Trọng Thụ

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp như: các yếu tố có hại không được kiểm soát tốt trong quá trình lao động (vật lý, hóa học, sinh học,...) ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Ngoài ra, còn do người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và do người lao động chủ quan, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.

Bệnh nghề nghiệp ngày càng được xã hội quan tâm, bởi khi mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động của chính người lao động mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Do đó, phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động và của cả chính bản thân những người lao động.

Ngày 09/02/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Hiện nay Việt Nam có 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó có 8 bệnh thuộc nhóm bụi phổi, 10 bệnh thuộc nhóm nhiễm độc, 6 bệnh thuộc nhóm yếu tố vật lý, 5 bệnh thuộc nhóm bệnh da, 6 bệnh thuộc nhóm nhiễm khuẩn.

Bệnh nghề nghiệp không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người lao động mà còn giảm hiệu quả, năng suất lao động và tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Tuy nhiên, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể phòng tránh nếu có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động

Việc tuân thủ quan trắc môi trường lao động định kỳ, đúng thực tế sản xuất để cải thiện giúp giảm yếu tố nguy cơ và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, qua đó, kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể, sớm chữa trị sẽ hiệu quả hơn.

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệphàng năm doanh nghiệp phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Việc quan trắc môi trường lao động rất quan trọng bởi từ kết quả các mẫu đo cụ thể (tùy lĩnh vực sản xuất), đơn vị đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp, từ đó, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho lao động để sớm sàng lọc, phát hiện, giúp người lao động điều trị bệnh lý kịp thời, qua đây chủ doanh nghiệp có giải pháp đầu tư trang thiết bị cải thiện môi trường làm việc.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng nêu rõ, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và thực hiện đầy đủ chế độ đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Thêm vào đó, khoản 2, Điều 21 Luật này cũng quy định, khi khám sức khỏe theo định kỳ cho người lao động, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho những người lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động và theo Thông tư 28/2016/TT-BYT, ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế: Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

Số lần khám bệnh trong năm còn có thể nhiều hơn nếu nghi ngờ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do người sử dụng lao động hoặc người lao động chủ động đề nghị.

Đồng thời, tăng cường tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động để người lao động nhận thức được các mối nguy và tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân; trang bị đầy đủ và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động.

Để phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và vệ sinh lao động, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý,...).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tổ chức khám sức khỏe trước khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động để điều trị kịp thời. Bảo vệ sức khỏe cho người lao động chính là bảo vệ lợi ích lâu dài của doanh nghiệp. Khi được quan tâm, chăm lo, người lao động sẽ an tâm làm việc, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cần trang bị kiến thức cho người lao động để tự bảo vệ sức khỏe khi làm việc trong môi trường có yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

 

anh tin bai

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập