Bệnh Glôcôm và cách phòng tránh
Lượt xem: 43
Bệnh Glôcôm là một bệnh do sự tăng quá mức áp lực bên trong nhãn cầu dẫn đến tổn thương tiến triển dây thần kinh thị giác của mắt. Mức độ tổn hại phụ thuộc vào nhãn áp và sức chịu đựng của sợi thần kinh thị giác. Bệnh Glôcôm có 2 dạng: bệnh Glôcôm cấp tính hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống và bệnh Glôcôm mãn tính là dạng bệnh tiến triển âm thầm.

Thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong một năm để phát hiện những dấu hiệu bệnh Glôcôm và các bệnh về mắt khác

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glôcôm là một trong ba nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu bên cạnh đục thủy tinh thể và tật khúc xạ trên quy mô toàn cầu. Ước tính hiện nay có khoảng hơn 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm (tăng nhãn áp) trên thế giới, khoảng 50% người mắc bệnh không biết rằng mắc bệnh. Ít nhất một nửa số bệnh nhân Glôcôm không nhận biết được mình có bệnh. Ở một số nước đang phát triển, 90% bệnh nhân Glôcôm bị bỏ sót chẩn đoán.

Tại Việt Nam, theo kết quả đánh giá nhanh về các bệnh gây mù có thể phòng tránh được, Glôcôm là nguyên nhân thứ ba gây mù sau Đục thủy tinh thể và các bệnh lý bán phần sau. Cũng theo kết quả điều tra này, tỷ lệ mù hai mắt do Glôcôm ở người trên 50 tuổi tại Việt Nam chiếm khoảng 6,5%.

Bệnh Glôcôm không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và/hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác. Điều này có thể do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm bao gồm những người trên 40 tuổi, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng dần,  người có người thân cùng huyết thống  bị bệnh Glôcôm, người bệnh có tiền sử dùng thuốc corticoid kéo dài, người mắc bệnh toàn thân như tiểu đường, tăng huyết áp, người bị viễn thị nặng, người dễ xúc cảm hay âu lo…

Biểu hiện của bệnh Glocôm

Bệnh Glocom cấp tính người bệnh có biểu hiện đau nhức mắt dữ dội, đau nửa đầu cùng bên, nhìn mờ nhanh, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng, nhìn có quầng xanh, đỏ như cầu vồng, mi mắt phù nề, mắt đỏ, buồn nôn hoặc nôn, có thể có rối loạn tiêu hóa, không ăn được hoặc không ngủ được. Đây là dạng bệnh cấp cứu nhãn khoa, phải nhập viện và điều trị tích cực để giữ thị lực. Bệnh Glocom mãn tính là dạng bệnh diễn biến âm thầm với các dấu hiệu thoáng qua. Bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, đôi khi chỉ thấy căng tức nhẹ, nhìn mờ như qua màn sương rồi tự hết, khiến bệnh nhân không mấy để ý và dễ dàng bỏ qua, bệnh diễn biến đến mất thị lực không hồi phục.

Bệnh Glôcôm nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tiến triển qua các giai đoạn tiềm tàng, sơ phát, tiến triển, trầm trọng, gần mù và mù. Vì nguyên sinh bệnh chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa mắc bệnh Glôcôm. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù loà do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị thích hợp và theo dõi thường xuyên.

Các biện pháp dự phòng bệnh Glôcôm

Glôcôm là một bệnh rất nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh được mù lòa do bệnh Glocom bằng các biện pháp như: phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo dõi thường xuyên, khi thấy mắt có những biểu hiện bất thường cần phải đi khám ngay, khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Mắt.

Đối những người trên 40 tuổi và những bệnh nhân có yếu tố di truyền như có cha mẹ hay ông bà bị Glôcôm thì nên khám kiểm tra nhãn áp thường quy.

Thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong một năm để phát hiện những dấu hiệu bệnh Glôcôm và các bệnh về mắt khác.

Không được lạm dụng thuốc có chứa corticoid nhất là những thuốc tra tại mắt vì có thể dẫn đến mù loà do bị Glôcôm, đục thể thuỷ tinh, loét giác mạc. Nếu phải điều trị corticoid toàn thân trong một.

Những người bị mắc bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết, hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường, mặt khác phải được kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng võng mạc thiếu máu do những bệnh này gây ra để điều trị laser dự phòng glôcôm tân mạch.

Những người được chẩn đoán bị đục thể thuỷ tinh cần theo dõi và mổ đúng thời điểm để tránh những biến chứng do đục thể thuỷ tinh giai đoạn cuối gây ra.

Bệnh Glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị Glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp, Glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị, song người bệnh cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiếp tục tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác. Vì vậy, người bệnh Glôcôm cần phải được chăm sóc theo dõi thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Mai Hoa

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập