Làm xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm vi rút HIV trước hoặc trong thời gian mang thai càng sớm càng tốt. Ảnh: Trọng Thụ
HIV là căn bệnh thế kỷ, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. HIV lây qua 3 đường: Đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới.
HIV có thể lây truyền trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không được can thiệp, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
Can thiệp sớm, ngăn chặn nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trẻ sơ sinh nhiễm HIV chủ yếu là do lây truyền HIV từ mẹ. Nếu không có bất kỳ hình thức điều trị hoặc chăm sóc nào, khả năng người phụ nữ nhiễm HIV truyền bệnh sang con là rất lớn. Tuy nhiên, hiện việc được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm đi rất nhiều, thậm chí là 0%.
Việc lây truyền vi rút có thể được ngăn chặn gần như hoàn toàn nếu cả mẹ và con đều được cung cấp thuốc kháng vi rút (ARV) càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai và trong thời gian cho con bú.
Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con
HIV được tìm thấy trong chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, như tinh dịch, máu, dịch âm đạo và sữa mẹ. Cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con diễn ra thông qua ba con đường chính sau:
- Lây truyền trong thai kỳ: Một trong những cách phổ biến nhất là khi vi rút HIV trong máu của phụ nữ mang thai chuyển sang máu của thai nhi thông qua dây rốn. Trong trường hợp này, vi rút HIV có thể đi từ máu mẹ qua máu thai nhi, gây nhiễm trùng HIV trong thai kỳ.
- Lây truyền trong quá trình sinh: HIV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh. Điều này xảy ra khi có sự tiếp xúc giữa máu hoặc dịch âm đạo nhiễm HIV của mẹ và các vết thương hoặc niêm mạc của thai nhi trong quá trình sinh. Dịch âm đạo nhiễm HIV có thể được tiếp xúc với màng nhầy của mắt, mũi, miệng hoặc vùng da mỏng của thai nhi.
- Lây truyền qua việc cho con bú:
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh trong nguồn sữa của người mẹ bị nhiễm HIV cũng có chứa vi rút HIV, chính vì thế bé cũng có khả năng bị lây nhiễm HIV từ mẹ trong giai đoạn bú mớm. Tuy nhiên, nếu mẹ tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về việc cho con bú an toàn hoặc có điều kiện để mua sữa công thức cho trẻ bú thì sẽ tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiệu quả, đây cũng là một trong những biện pháp dự phòng được đặt ra trong trường hợp mẹ bị nhiễm HIV.
Ngoài ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV, bao gồm tải lượng vi rút HIV cao, số lượng tế bào CD4 thấp, bệnh lao, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn không được điều trị trong quá trình mang thai, sử dụng chất kích thích, đặc biệt là dạng tiêm trong thời kỳ mang thai...
Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai hoặc cho con bú có nguy cơ lây truyền vi rút cao hơn vì tải lượng vi rút rất cao ngay sau khi nhiễm bệnh. Những bà mẹ có tải lượng vi rút không thể phát hiện được có thể được khuyến nghị sinh con qua đường âm đạo. Đối với những phụ nữ có tải lượng vi rút cao (ví dụ trên 1000), sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Cần phải điều trị bằng thuốc đầy đủ
Nếu phát hiện nhiễm HIV trước khi mang thai thì việc sử dụng thuốc điều trị vi rút HIV đúng cách sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang con và tỷ lệ lây nhiễm chỉ còn ít hơn 1%, thậm chí là 0%.
Trường hợp trước khi mang thai mà thai phụ chưa được điều trị HIV thì hãy trao đổi với bác sĩ về chuyện này để có hướng giải quyết thích hợp. Nếu trong thời kỳ mang thai mà phát hiện dương tính với HIV thì hãy bắt đầu điều trị ngay lập tức và phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày.
Sau khi sinh thì đứa trẻ cũng cần được điều trị trong vòng 4 - 6 tuần để giúp ngăn ngừa nhiễm HIV hiệu quả hơn.
Sử dụng biện pháp bảo vệ bé trong khi sinh
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh trong nguồn sữa của người mẹ bị nhiễm HIV cũng có chứa virus HIV, chính vì thế bé cũng có khả năng bị lây nhiễm HIV từ mẹ trong giai đoạn bú mớm. Tuy nhiên, nếu mẹ tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về việc cho con bú an toàn hoặc có điều kiện để mua sữa công thức cho trẻ bú thì sẽ tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiệu quả, đây cũng là một trong những biện pháp dự phòng được đặt ra trong trường hợp mẹ bị nhiễm HIV.
Trường hợp mẹ không đủ điều kiện để nuôi con bằng sữa công thức thì vẫn có thể cho bé bú mẹ nhưng phải tuân thủ điều trị đầy đủ vì nếu mẹ nhiễm HIV cho con bú và không được điều trị hoặc không tuân thủ thuốc ARV, vi rút HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ. Đồng thời bé cũng phải điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Nếu thai phụ dương tính với virus HIV được điều trị đúng phác đồ trong thời kỳ mang thai và lúc chuyển dạ và đứa trẻ sinh ra được dùng thuốc điều trị virus HIV trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh thì sẽ tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đến mức thấp nhất.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể giúp tăng hiệu quả của các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm:
Làm xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm vi rút HIV trước hoặc trong thời gian mang thai càng sớm càng tốt;
Khi bị nhiễm HIV thì cần chủ động trao đổi với bác sĩ và chọn phương pháp mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sẽ mang theo căn bệnh này suốt đời và đối diện với nguy cơ cao phát triển thành AIDS. Do đó dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ. Điều này mang lại cơ hội cho trẻ em được sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Vì vậy, để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần chủ động thăm khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Mai Hoa