225 người dân xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà được lấy mẫu điều tra tỷ lệ nhiễm giun sán
Lượt xem: 283
Trong 2 ngày 23- 24/5/2024, Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiến hành điều tra tỷ lệ nhiễm giun sán tại xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà.

Cán bộ điều tra dịch tễ học lấy mẫu cho học sinh Trường Mầm non xã Hạnh Phúc.

 

Đợt điều tra nhằm đánh giá mức độ lưu hành của nhóm bệnh ký sinh trùng (nhóm giun truyền qua đất) của người dân ở vùng 3 nông thôn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trạm Y tế xã Hạnh Phúc sẽ thực hiện phỏng vấn người dân để xác định các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời lấy mẫu, xét nghiệm điều tra, xác định tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm bệnh giun truyền qua đất, tư vấn điều trị cho các ca phát hiện bệnh do ký sinh trùng. Từ  đó có cơ sở dữ liệu xây  dựng  biểu đồ phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh  trùng thường gặp tại địa phương theo Kế hoạch số 1110/KH-UBND ngày 13/5/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng về Phòng chống ký sinh trùng, phân vùng dịch tễ ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2024 - 2025.

Xã Hạnh Phúc có 15 xóm hành chính, 1.316 hộ gia đình, với 5.333 nhân khẩu, trong đó trẻ em từ 2 - 5 tuổi có 205 trẻ, số học sinh tiểu học là 355 trẻ. Là xã vùng cao, người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường sống còn nhiều hạn chế.

Đoàn công tác đã tiến hành lấy được 225 mẫu phân, trong đó 73 mẫu cho trẻ đang học tại Trường Mầm non xã Hạnh Phúc và 159 mẫu ngẫu nhiên của người dân trong xã. Qua phân tích và làm các xét nghiệm soi mẫu phân cho thấy, có 35 mẫu dương tính với trứng giun đường ruột (đũa, tóc, móc, kim), trong đó có 17/73 mẫu ở trường học dương tính với các loại giun ở trẻ; 18/159 mẫu dương tính ở người lớn. Tỷ lệ nhiễm giun chung là 15,6%, trong đó, trẻ mầm non có tỷ lệ nhiễm giun kim khá cao 17/73 mẫu dương tính.

 

anh tin bai

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm xét nghiệm điều tra các loại giun, sán đường ruột tại Trạm Y tế xã Hạnh Phúc.

 

Qua điều tra dịch tễ học, Đoàn công tác đã hướng dẫn cho trường học, người dân đến Trạm Y tế để nhận thuốc tẩy giun về uống. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn và sau đi đi vệ sinh; không ăn thức ăn chưa được nấu chín để phòng bệnh giun sán đường ruột, ăn uống, sinh hoạt và môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, nhất là vùng nông thôn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… là những nguyên nhân chủ yếu khiến người dân nhiễm các loại giun, sán. Nhiễm giun sán đường ruột sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, giun chui ống mật, tắc ruột do giun… Vì vậy, cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.

Khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh phòng bệnh bằng cách ăn chín, uống chín, đặc biệt không ăn cá chưa nấu chín, rau sống mọc dưới nước, gan sống; không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước; nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời bệnh giun sán, giúp việc điều trị đúng hướng và có hiệu quả.

 

Ngọc Anh

 

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập