Hà Quảng đẩy mạnh thực hiện Chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn ​
Lượt xem: 254
Tham gia Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới, nhiều hộ dân, trường học trên địa bàn huyện Hà Quảng đã được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ông Vương Thanh Đức - Xóm Cảm Dầu, xã Lương Can giới thiệu nhà vệ sinh được hỗ trợ từ Chương trình.

 

Huyện Hà Quảng có 21 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn, với 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao cùng sinh sống; 100% xã, thị trấn có cán bộ phụ trách công tác vệ sinh môi trường (VSMT). Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại huyện Hà Quảng được triển khai từ năm 2019, trên địa bàn 9 xã, gồm: Lương Can, Sóc Hà, Quý Quân, Ngọc Đào, Trường Hà, Lũng Nặm, Thượng Thôn, Nội Thôn và Cải Viên.

Với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, VSMT, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn, tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực, để thực hiện hiệu quả Chương trình, hàng năm Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và UBND huyện Hà Quảng đã phối hợp xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các hoạt động trên địa bàn các xã tham gia Chương trình. 

Trước đây, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các địa phương không được nhiều người dân quan tâm, trong đó, một phần do điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; phần khác là do tập quán, thói quen của người dân. Vì vậy, khi Chương trình triển khai, cán bộ chính quyền các xã phải “đến từng xóm, gặp gỡ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân tham gia nhằm thay đổi nhận thức, thói quen trong sinh hoạt.

Là một trong những người dân trên địa bàn huyện Hà Quảng được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, ông Vương Thanh Đức - Xóm Cảm Dầu, xã Lương Can chia sẻ: gia đình tôi đã được nhà nước hỗ trợ tiền, cộng với số tiền gom góp được nên tôi đã xây loại nhà vệ sinh xả nước cho phù hợp. Trong quá trình sử dụng, tôi thấy nhà vệ sinh này rất phù hợp với nông thôn, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Được cán bộ, nhân viên y tế thôn bản tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác VSMT, nước sạch nông thôn gia đình tôi cũng hiểu thế nào là giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng.

Theo thống kê, từ khi triển khai Chương trình đến nay, trên địa bàn huyện Hà Quảng đã hỗ trợ xây mới được 173 nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó xã Quý Quân được 27 nhà, Lương Can (32), Ngọc Đào (31), Trường Hà (4), Cải Viên (11), Thượng Thôn (2), Lũng Nặm (33) và xã Nội Thôn (33). Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần đưa các xã nâng cao tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hộ gia đình hoàn thành tốt các chỉ tiêu về tỷ lệ “vệ sinh toàn xã” bền vững. Qua kiểm đếm, có 4 xã xây dựng và đạt xã bền vững về vệ sinh môi trường, gồm: Ngọc Đào, Lương Can, Quý Quân và Sóc Hà.

Chương trình đã góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe của người dân.

 

Để đạt được kết quả trong triển khai Chương trình, các ban, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng cho các hộ dân, giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn; các cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản được tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh, truyền thông thay đổi hành vi, kiểm tra, giám sát vệ sinh hộ gia đình, trường học.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng đã triển khai 3 hội nghị cấp huyện với 125 học viên tham dự là cán bộ trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản và cán bộ UBND các xã triển khai Chương trình; triển khai 2 lớp tập huấn cấp xã với 100 học viên là trưởng xóm ở các xã: Ngọc Đào, Quý Quân, Thượng Thôn, Sóc Hà và Thị trấn Xuân Hòa tham dự. Đồng thời, tổ chức truyền thông trực tiếp cho 864 lượt hộ gia đình.

Song song với đó, công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, bao gồm giám sát mạng lưới hướng dẫn quản lý ghi chép sổ sách, biểu mẫu báo cáo, các hoạt động truyền thông và giám sát... Trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 10 buổi giám sát, hỗ trợ tại huyện Hà Quảng; cùng với đó Trung tâm Y tế huyện tổ chức giám sát, chỉ đạo các xã thực hiện Chương trình được 18 lần. Thông qua đó, góp phần cải thiện kiến thức cũng như các kỹ năng trong giám sát, quản lý hệ thống sổ sách, báo cáo cán bộ phụ trách công tác VSMT, hỗ trợ ghi chép sổ sách, thực hiện báo cáo, hướng dẫn cán bộ trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản, người dân về sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh. Qua giám sát cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đều nắm được lợi ích từ cách sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; biết cách bảo quản và sử dụng nhà tiêu hợp lý, khắc phục khi nhà tiêu xuống cấp...

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lương Thế Minh - Phó Trưởng Khoa Y tế công cộng, Dinh dưỡng và ATTP, Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng cho biết: Trung tâm Y tế huyện thường xuyên chỉ đạo các Trạm Y tế xã phối hợp với các xóm, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác VSMT tại xóm, hộ gia đình; lồng ghép tuyên truyền về VSMT và nước sạch nông thôn trong các buổi họp xóm để người dân hiểu rõ về chất lượng cũng như việc ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến sức khỏe người dân; tổ chức giao ban với chính quyền địa phương, nhân viên y tế thôn bản, chỉ đạo các xóm thường xuyên lồng ghép tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về VSMT và nước sạch nông thôn.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 65,8% tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Chương trình đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe của người dân; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp các xã thực hiện một số chỉ tiêu về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả đạt được đến nay vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra của Chương trình là 75%.

Để tiếp tục duy trì và thực hiện Chương trình đạt hiệu quả hơn, cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông; vận động và hướng dẫn sử dụng nhà tiêu và sử dụng nguồn nước sạch để người dân nắm rõ được tầm quan trọng và có ý thức tự giác trong giữ gìn vệ sinh môi trường nói chung. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ dân chưa có nhà tiêu. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở; trong công tác tuyên truyền, vận động cần có đa dạng các loại tài liệu truyền thông mang tính trực quan, dễ hiểu.

Nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc bảo đảm VSMT nông thôn, môi trường trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện. Góp phần bảo đảm VSMT nông thôn trên địa bàn, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân.

 

Đức Giang

 

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập