Bệnh gan nhiễm mỡ, dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh
Lượt xem: 619
Trong cuộc sống hiện đại, bệnh gan nhiễm mỡ là một bệnh khá phổ biến, thậm chí những người không bao giờ sử dụng bia rượu hoặc có thể trạng gày cũng có thể bị gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm gan và một số biến chứng nguy hiểm, trong đó có khoảng 20% tỷ lệ người bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ xơ gan. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan bỏ qua các dấu hiệu của bệnh nên không điều trị hoặc thay đổi lối sống.

Gan là cơ quan nội tạng lớn và cũng là tuyến tiêu hoá lớn nhất trong cơ thể. Gan đóng vai trò vô cùng quan trọng, được ví như một "nhà máy hoá chất" kỳ diệu của cơ thể với sức làm việc bền bỉ, hoạt động không ngừng nghỉ. Gan có nhiều chức năng nhiệm vụ như: tổng hợp, dự trữ, chuyển hoá, giải độc, tạo và dự trữ máu nhằm duy trì sự sống của cơ thể.

Gan nhiễm mỡ là một bệnh mạn do tình trạng chất béo tích lũy trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan. Người nhiễm mỡ ở gan chủ yếu là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, chính vì thế mà ngày nay căn bệnh này không còn hiếm gặp và đang có xu hướng gia tăng chóng mặt tại Việt Nam. Ít nhất 25% bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan, thậm chí dẫn đến tử vong.

Thông thường, lượng mỡ trong máu ở mức 3 - 5% trọng lượng gan. Khi bị gan nhiễm mỡ tức là lượng mỡ trong gan ở mức 5 - 25% trọng lượng gan. Bệnh gan nhiễm mỡ gây tổn thương gan, khiến gan không đào thải được chất độc và sản xuất mật cho hệ tiêu hóa. Người bị gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các bệnh làm suy giảm chức năng gan, đồng thời suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.

 

Hình minh họa

Các cấp độ của gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ có 3 cấp độ chính với những dấu hiệu và diễn tiến ảnh hưởng đến cơ thể khác nhau như sau:

Gan nhiễm mỡ cấp độ 1: Giai đoạn này, tỷ lệ mỡ chiếm 5 - 10% trên tổng trọng lượng của gan. Do đây là giai đoạn đầu nên các dấu hiệu bệnh thường rất nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe nên dễ bị bỏ qua.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 2: Lúc này, tỷ lệ mỡ chiếm đến 10 - 25% trọng lượng của gan, mỡ đã lan rộng ra các mô gan và cơ hoành nhưng vẫn chưa gây nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng và kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành độ 3.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 3: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của gan nhiễm mỡ, bệnh đã trở nên rất khó điều trị và phục hồi, nguy cơ tăng các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan, có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ:

- Thừa cân, béo phì: Gan nhiễm mỡ thường gặp ở bệnh nhân béo phì và mức độ nhiễm mỡ cũng liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng. Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu béo phì nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn và lâu ngày sẽ có khả năng đưa đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.

- Do Tiểu đường: Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở bệnh nhân Tiểu đường type I, nhưng rất thường gặp ở bệnh nhân Tiểu đường type II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân Tiểu đường type II bị gan nhiễm mỡ.

- Do tăng mỡ máu: Tăng mỡ máu hay tăng Lipid máu (bao gồm tăng Triglyceride máu, tăng Cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao.

- Do nghiện rượu: Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mãn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan. Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nếu chấm dứt việc tiêu thụ rượu, bia và tuân thủ phương pháp điều trị.

Do uống thuốc hoặc sử dụng quá nhiều đường: có nhiều loại thuốc có thể gây ra gan nhiễm mỡ, như: corticoide (Prednisolon, Dexamethason), Amiodaron (thuốc chống loạn nhịp), Methotrexate (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư và viêm đa khớp dạng thấp), Estrogen tổng hợp (thường dùng trong ngừa thai), Perhexilin (thuốc điều trị cơn đau thắt ngực). Sử dụng đường và tinh bột quá nhiều cũng gây ra gan nhiễm mỡ do tăng tổng hợp axít béo.

- Phụ nữ có thai: thường xảy ra 3 tháng cuối của thai kỳ, kèm theo với vàng da ứ mật. Bệnh thường giảm sau khi sinh 2 - 4 tuần và có thể tái phát ở những lần mang thai sau.

- Trong quá trình bị viêm gan siêu vi B, C thường có biến chứng gan nhiễm mỡ đặc biệt là viêm gan siêu vi C.

Triệu chứng của gan nhiễm mỡ:

- Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng trong thời gian dài. Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau hạ sườn bên phải, đầy hơi trướng bụng

- Mệt mỏi khó chịu, xuất hiện vàng da. Xuất hiện nốt nhện hay còn gọi là u mạch máu (xuất hiện u mạch nổi dưới da từ nhánh mạch nhỏ, rồi lan tỏa ra xung quanh).

- Thiếu hụt vitamin: Biểu hiện như viêm lưỡi, viêm nhiệt miệng, da có vết bầm tím, thậm chí có thể xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu chân răng, chảy máu cam….

- Rối loạn nội tiết: Biểu hiện teo tinh hoàn, rối loạn chức năng cương dương ở nam giới, rong kinh hay mất kinh ở phụ nữ…

Phòng bệnh gan nhiễm mỡ:

Tăng cường vận động cơ thể tùy theo tuổi tác, sức khỏe của mỗi người như: đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, chơi bóng bàn, cầu lông… ít nhất là 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần.

Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thức ăn nhiều đường, nhiều chất béo, đặc biệt là các loại nội tạng động vật. Nên tăng cường các loại rau quả tươi, nhiều protein và vitamin như: thịt nạc, đậu nành, đậu hà lan, cà chua, ớt vàng, rau cần tây, tỏi, chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín…Nên dùng dầu thực vật thay mỡ trong chế biến thực phẩm (dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu lạc, dầu vừng). Cần hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn.

Khi sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự mua thuốc để điều trị bệnh.

Khám sức khỏe định kỳ: Khi phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ, người bệnh cần được khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh, kịp thời điều trị, đề phòng biến chứng. Đặc biệt là những người bị béo phì, người nghiện rượu, người bị Tiểu đường tuýp 2 và những người bị suy dinh dưỡng thì việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, những người bị Viêm gan C mãn tính, người bị tăng mỡ máu, người dùng liều cao một số thuốc như corticoides, Estrogen cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ.

Gan được ví như "nhà máy chuyển hóa" lớn nhất của cơ thể nhưng cũng chính vì vậy mà gan rất nhạy cảm và dễ mắc bệnh. Chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng nếu gan chứa quá nhiều mỡ. Các tác nhân có hại liên tục có mặt ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan, lâu dần tiến triển thành ung thư gan.Vì vậy mỗi người cần có lối sống lành mạnh, ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học để có một lá gan khỏe mạnh.

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập