Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường type 2
Lượt xem: 9536
Đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm khiến bệnh nhân có thể bị tàn tật và đối mặt với những hậu quả khó lường về sức khỏe và tính mạng.

Hình minh họa

Đái tháo đường đang là căn bệnh trở nên phố biến với số lượng bệnh nhân ngày một gia tăng. Việt Nam thuộc nhóm nước có số người bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người trẻ. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Trong 10 năm, tỷ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.

Tại Cao Bằng, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, tính đến tháng 10/2022, có 4.286 bệnh nhân mắc đái tháo đường đang được quản lý điều trị tại các cơ sở sơ y tế trên địa bàn tỉnh.

Dù là bệnh mạn tính có số người mắc rất lớn nhưng 70% người dân không biết mình mắc bệnh do bệnh tiến triển hết sức âm thầm. Do không được điều trị kịp thời, trên 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 đến bệnh viện khi đã có nhiều biến chứng hết sức nặng nề.

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Đái tháo đường được chia làm 2 type. Đối với đái tháo đường type 1, khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện các triệu chứng lâm sàng rất rầm rộ do thiếu hụt tuyệt đối hóc môn insulin nên người bệnh thường đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và uống nhiều nước do khát nước nhiều. Đối với đái tháo đường type 2, các triệu chứng diễn tiến âm thầm trong thời gian dài, đôi khi các bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện mắc bệnh khi đi khám sức khỏe vì một lý do khác và thường bệnh chỉ phát hiện khi xuất hiện các biến chứng của đái tháo đường như có các vết thương lâu lành, các biến chứng về thận, thần kinh…

Bản chất của bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa gluxit nhưng nó kéo theo hàng loạt các rối loạn chuyển hóa khác như chuyển hóa lipit, protit. Từ các rối loạn chuyển hóa đó sẽ gây ra các biến chứng trên toàn bộ cơ thể người mắc bệnh.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường gồm:

Hạ đường huyết: Do sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết, bỏ bữa, tập thể dục quá sức. Người bệnh mệt mỏi, run tay chân, nếu không cấp cứu kịp có thể hôn mê.

Tăng áp lực thẩm thấu: Do đường huyết tăng cao bất thường gây mất nước trong cơ thể dẫn đến hôn mê.

 Biến chứng tim mạch: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.

- Biến chứng thận: Bệnh tiểu đường gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc tiểu đường hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

- Biến chứng thần kinh: Tổn thương dây thần kinh là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Biểu hiện như: tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, sụp mi, lác trong, liệt mặt… Tổn thương thần kinh thực vật còn có thể gây nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa...

Biến chứng về thị giác: Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Đường huyết trong máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên, giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.

- Biến chứng thần kinh: Đường huyết cao gây tổn thương thần kinh ngoại biên và các mạch máu nhỏ gây tê bì, châm chít chân tay, mất cảm giác khi vật nhọn đâm vào...

- Loét bàn chân: Hệ thống mạch đến nuôi dưỡng các chi tổn thương, cùng đó người bệnh mất cảm giác đau do tổn thương thần kinh nên vết thương ở các chi khó lành. Mức độ nặng có thể phải cắt cụt chi.

Các biến chứng trong thời kỳ mang thai: Glucose máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này dễ dẫn đến các tai biến sản khoa cho trẻ và mẹ; nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sau sinh; trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ cao bị tiểu đường trong tương lai hơn các trẻ khác.

Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều các cơ quan khác của cơ thể như: xương, khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ hay các bệnh về da...

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính kéo dài, người bệnh phải chung sống cả đời với bệnh. Mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ăn uống lành mạnh, tập luyện điều độ, khám sức khỏe định kỳ là 3 việc không bao giờ được quên đối với mỗi bệnh nhân đái tháo đường.

Trong quá trình điều trị, người bệnh đái tháo đường không được tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác hoặc dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mua thuốc không rõ nguồn gốc để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể dẫn đến hậu quả tăng hoặc hạ đường huyết quá mức cho người bệnh hoặc gây tổn thương chức năng gan, thận, thậm chí suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Chế độ ăn uống cần cân bằng các nhóm chất như tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất; ăn rau luộc vào đầu bữa; chia nhiều bữa nhỏ; ăn thịt cá trước hoặc cùng lúc thực phẩm chứa tinh bột; không ăn nhiều vào bữa tối... Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, vận động hợp lý giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.

Người bệnh học cách sống chung với bệnh đái tháo đường type 2 cần sự kiên trì và quyết tâm. Chế độ sinh hoạt nên lành mạnh như không thức khuya, ăn đúng giờ giấc, không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích (rượu, bia...).

Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được bởi hiểu biết và thực hành đúngPhòng, chống bệnh đái tháo đường từ sớm để không xảy ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người.

Bảo An

 

 
 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập