Chế độ dinh dưỡng và luyện tập đối với bệnh nhân đái tháo đường
Lượt xem: 1678
Đối với bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể giúp kiểm soát tốt đường huyết, giảm các biến chứng của bệnh, góp phần năng cao chất lượng cuộc sống.

Chế độ tập luyện đi cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp song song theo dõi đường huyết và dùng thuốc là những biện pháp rất cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: Trọng Thụ

Về chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường

Chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại lao động, thể trạng béo hay gầy…

Glucid (chất bột đường): trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn do vậy điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế glucid, tuy nhiên không được giảm qúa nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường.

Tỷ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 - 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Nên sử dụng các glucid phức hợp gồm gạo, khoai củ. Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt).

Protein (chất đạm): lượng protein nên đạt 0,8 kg ngày đối với người lớn. Khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận, tuy nhiên lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường và nên đạt 15% - 20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12% - 14 %). Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vừa hạ được giá tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.

Lipid (chất béo): nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Nhưng khẩu phần của người đái tháo đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm đi). Nên ăn các acid béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). T lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-20%) và không nên vượt quá 30%.

Vitamin và các yếu tố vi lượng: Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.

Chất xơ: nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenluloza), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo giã chưa kỹ; rau; củ, quả (làm rau); khoai củ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.

Số bữa ăn: Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày như sau: Bữa sáng: 10%. Bữa phụ buổi sáng: 10%. Bữa trưa: 30% . Bữa phụ buổi chiều: 10%. Bữa tối: 30%. Bữa phụ buổi tối (trước khi đi ngủ): 10%.

Chế độ luyện tập cho người đái tháo đường

Chế độ tập luyện đi cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp song song theo dõi đường huyết và dùng thuốc là những biện pháp rất cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường, giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.

Luyện tập thường xuyên và đúng cách, phù hợp với sức khỏe là một phương pháp điều trị quan trọng. Đặc biệt, với các tiểu đường týp 2, thì tập thể dục thường xuyên là phương pháp điều trị ưu tiên và cần phải được lên kế hoạch chi tiết. Vì luyện tập thường xuyên không chỉ giúp kiểm soát đường máu hàng ngày, mà còn có thể giúp cải thiện việc kiểm soát đường máu tốt hơn trong thời gian dài, giúp cơ thể làm tăng độ nhạy cảm với insulin máu, do đó nhu cầu insulin sẽ giảm đi và làm giảm nguy cơ các biến chứng  tim mạch, như: xơ vữa động mạch, cao huyết áp.

Làm tăng tác dụng của insulin, đồng thời làm giảm nhu cầu insulin của cơ thể. Tác dụng này là cực kỳ quan trọng đối với các tiểu đường týp 2 vì sự giảm nhạy cảm với insulin là nguyên nhân chính trong cơ chế bệnh sinh gây tăng đường máu ở các bệnh nhân này.

Bệnh nhân đái tháo đường cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp với thể trạng bệnh lý và độ tuổi, hình thức vận động vừa phải với mức tiêu hao năng lượng khoảng 170-400 kcal… như: Đi bộ, đạp xe, thái cực quyền, dưỡng sinh, bơi lội,…

Phương thức tập luyện, bệnh nhân cần khởi động nhẹ nhàng trước khi tập luyện khoảng 10 -15 phút. Sau đó bước vào phần tập chính với cường độ khoảng 30 - 40 phút, cuối cùng là giảm dần khối lượng bài tập bằng cách co duỗi hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Tập thói quen vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn giúp hạ đường huyết. Vận động khi đường huyết quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây nguy hiểm.

Tần suất tập: Để có thể đạt được những lợi ích về tim mạch hoặc kiểm soát đường máu tốt hơn thì các bệnh nhân cần cần tập luyện đều đặn, khoảng ít nhất 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả, tập tăng dần khối lượng, sau đó giảm dần, phối hợp nhiều kiểu tập khác nhau. Cường độ tập luyện: Tập luyện bằng 60-70% cường độ tập luyện tối đa đạt được, tránh để tăng huyết áp tâm thu lên cao.

Một số lưu ý đặc biệt: Cần kiểm tra bàn chân hàng ngày và sau mỗi lần tập xem có bị các nốt phồng da hoặc vết rách hoặc nhiễm trùng ở bàn chân không? Không nên tập trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh và khi đường máu rất cao.

Để hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau luyện tập cần:

- Duy trì chế độ ăn hợp lý, hạn chế dùng các thức uống, như: rượu, bia, chè, cà phê. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Hãy uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ.

- Thường xuyên kiểm tra đường máu theo quy định. Nên khám sức khỏe tổng thể trước khi vào một chương trình luyện tập, không nên luyện tập trong điều kiện quá nóng hoặc quá lạnh, không luyện tập khi đang mắc các bệnh cấp tính hoặc khi lượng đường trong máu quá cao.

- Nên chọn loại hình luyện tập phù hợp với sức khỏe và tuổi tác. Bài tập phù hợp nhất cho người đái tháo đường là đi bộ hằng ngày vào buổi sáng và chiều mát, mỗi lần luyện tập từ 30 - 40 phút.

- Nên lựa chọn nơi tập luyện bằng phẳng, nơi tập luyện có nhiều người cùng tập, như: sân vận động, nhà thi đấu, công viên. Nên mặc quần áo rộng, tạo sự thoải mái khi vận động và phải chọn loại giày vải mềm, vừa chân đi đứng thoải mái, phù hợp với thời tiết và loại hình tập luyện. Cũng cần lưu ý có đủ nước uống trong và sau khi tập. Trong khi tập luyện nếu thấy dấu hiệu hoa mắt chóng mặt cần ngừng tập ngay lập tức, đặc biệt chú ý đối với người già, người có các bệnh mạn tính đi kèm khác. Bên cạnh tập luyện, người bệnh phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Cần có nếp sống năng động, tránh tình trạng trì trệ. Thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý. Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, không để tăng cân quá ngưỡng là những yếu tố tích cực giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.

                                                                                                                     

                        Bảo An

 

 

 

 

 
 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập