Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt
Lượt xem: 333
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều nhấn mạnh 1000 ngày vàng đầu đời (từ khi thụ thai đến khi trẻ được 2 tuổi) là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em. Đầu tư vào chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của trẻ. Giai đoạn này được xem là cơ hội để chăm sóc dinh dưỡng, qua đó thiết lập nền tảng cho sức khỏe, trí thông minh và trí tuệ cảm xúc nói chung của một con người. 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Do đó suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được với sức phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém, chăm sóc con cái kém, và góp phần tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời do bệnh tật, do thiếu sữa mẹ hoặc các thực phẩm bổ sung giàu dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao từ những bệnh thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy.

Ngược lại, trong 1000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn. Chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày – nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2). Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ sẽ quyết định sự phát triển về sau này.

Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy giai đoạn 1000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, hu‎yết áp, loãng xương… Các bệnh không lây nhiễm hiện được coi là sát thủ hàng đầu trên thế giới với 35 triệu người tử vong hàng năm, chiếm 60% số ca tử vong toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới dự kiến các bệnh không lây sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới, và tập trung đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được và dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu, đặc biệt từ “lập trình” bào thai đóng vai trò quan trọng. Bà mẹ bị thiếu dinh dưỡng ở đầu thai kỳ thì trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên. Bà mẹ có bị thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ thì trẻ sơ sinh có nguy cơ sinh ra nhẹ cân và khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2. Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành. Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%.

Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng lên đáng kể dẫn tới 33% bị thiếu máu, 80% bị thiếu kẽm… Những phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… Còn đối với trẻ em, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi. Do lúc này sữa mẹ không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin, khoáng chất. Trong khi đó việc cho trẻ ăn bổ sung lại không được chú ý đầy đủ hoặc thực hiện không hợp lý…

Về chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho phụ nữ có thai:

Phụ nữ mang thai cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đa dạng thức ăn trong giai đoạn mang thai. Trong thời gian có thai người mẹ cần tăng cân từ 10 - 12kg, để sinh con có cân nặng khoảng 3.000 gam. Mức tăng cân của bà mẹ và cân nặng của trẻ khi sinh nó phụ thuộc vào khẩu phần của mẹ. Nếu khẩu phần có mức năng lượng thấp, mẹ tăng cân ít sẽ có nguy cơ trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2.500 gam (suy dinh dưỡng bào thai). Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai.

Cần có chế độ ăn bổ sung hợp lý có đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất thông qua các thực phẩm đa dạng bao gồm rau quả màu xanh, vàng, đỏ, thịt, cá, đậu, đỗ và các loại hạt

 Ngoài ra phụ nữ có thai cần bổ sung viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng hàng ngày để phòng chống thiếu máu, thiếu sắt liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới 1 tháng sau đẻ. Ở những người có lượng can xi khẩu phần thấp cần bổ sung can xi đường uống nhằm giảm nguy cơ tiền sản giật.

Không nên dùng các đồ uống chứa chất kích thích như: rượu, cà phê, nước chè đặc… Giảm ăn các loại gia vị như: ớt, hạt tiêu, tỏi…

Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

Khi sinh con bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Bú sớm có tác dụng làm cho sữa xuống nhanh, co hồi tử cung và bú được sữa non rất tốt cho bé vì sữa non có gía trị dinh dưỡng cao, các kháng thể chống lại bệnh tật, dễ tiêu hóa với trẻ và giúp thải phân xu ra ngoài. Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 18 - 24 tháng tuổi. Trong vòng 6 tháng đầu đời, chỉ cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không cần bổ sung thêm nước, sữa bột hoặc thức ăn khác, sữa mẹ có đủ nước và mọi chất dinh dưỡng mà con bạn cần trong 6 tháng đầu như: protein, chất béo, các vitamin và nhiều khoáng chất. Sữa mẹ có đầy đủ DHA/ARA giúp não bộ bé phát triển tối đa.

Chế độ ăn bổ sung hợp lý:

Khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi, lúc này sữa mẹ đơn thuần không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất cho trẻ thì việc cho trẻ ăn bổ sung hợp lý cùng với việc chăm sóc và phòng bệnh đầy đủ có thể giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu, phòng ngừa thấp còi, thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Số bữa ăn hàng ngày tùy theo tháng tuổi: 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng, 7 - 9 tháng ăn 2 - 3 bữa bột đặc, 10 - 12 tháng ăn 3 - 4 bữa bột đặc. Trẻ từ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Quá trình thực hành ăn bổ sung, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm: tinh bột (gạo, khoai tây..), chất đạm (trứng, thịt, tôm, cua, cá chất béo và vitamin, khoáng chất (rau củ, hoa quả tươi) cho trẻ và tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ. Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt, đảm bảo vệ sinh ăn uống, chế biến thực phẩm cho trẻ để tránh gây rối loạn tiêu hoá. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn. Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, gây ức chế tiết dịch vị, làm trẻ chán ăn, trẻ bỏ bữa.

1000 ngày vàng đầu đời là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em. Vì vậy khi từ khi mang thai, người mẹ cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, để bào thai đủ cân, khoẻ mạnh. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Cho trẻ bú mẹ rất quan trọng, nhằm củng cố hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, thiết lập chức năng miễn dịch cơ thể chống lại bệnh tật.

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập