Hiệu quả từ công tác cải cách thủ tục hành chính tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm
Lượt xem: 330
Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm đã từng bước được nâng cao, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh.
Bảo Lâm là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách Thành phố Cao Bằng hơn 170km. Huyện có diện tích 902 km², giáp với các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và 8 km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi cao, hiểm trở. Người dân khi có bệnh muốn đến bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh phải đi lại rất khó khăn, vất vả.

Trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình khám, chữa bệnh được thực hiện theo phương thức thủ công, kê đơn thuốc bằng viết tay; Các y, bác sĩ phải thuộc hết những ký tự của tên thuốc, phải tra các mã bệnh thủ công nên mất rất nhiều thời gian. Các khoa, phòng của bệnh viện làm việc riêng lẻ, bệnh nhân đến khám, điều trị hay làm thủ tục thanh toán phải chờ đợi lâu do phải chờ thực hiện các thủ tục hành chính. Bệnh viện không kiểm soát được quá trình khám bệnh và điều trị của bệnh nhân ở tuyến dưới và ngang tuyến; Không phát hiện được bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh khác nhưng lại đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện…, do đó ảnh hưởng đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh vì chi phí trùng. Việc quản lý thuốc của khoa Dược cũng mất rất nhiều thời gian do phải nhập thủ công nên lãnh đạo đơn vị không nắm bắt được số lượng xuất thuốc hàng ngày mà phải chờ khoa Dược báo cáo, không kiểm tra được việc thu giá dịch vụ theo từng thời điểm mà phải chờ phòng Kế toán báo cáo.

Những năm gần đây, nhu cầu bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 60 bệnh nhân, do vậy, các thủ tục hành chính cũng như thủ tục vào viện, ra viện, chuyển viện càng phải nhanh gọn, chính xác.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Ban lãnh đạo Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo các khoa, phòng triển khai thực hiện. Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thay thế hạ tầng mạng LAN và ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện. Thường xuyên rà soát thủ tục khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh BHYT để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Thường xuyên giáo dục viên chức, người lao động thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện công khai giờ khám bệnh, quy trình khám bệnh, bảng giá dịch vụ, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa, phòng, hòm thư góp ý, đường dây nóng, quyền và nghĩa vụ của người bệnh, nhân viên y tế để người bệnh, người nhà người bệnh dễ quan sát, thực hiện”.

Việc cải tạo, nâng cấp, thay thế Hệ thống hạ tầng mạng máy tính nội bộ (mạng LAN) và Ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện - Bệnh viện điện tử VNPT-HIS cho phép các máy tính kết nối với nhau để cùng làm việc và chia sẻ dữ liệu, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định BHYT.

Để tạo thuận lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã tiến hành sắp xếp lại từ phòng tiếp nhận bệnh nhân, phòng thu viện phí, phòng phát thuốc, phòng khám... Bố trí nhân lực trực, phiên dịch, tận tình hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cải tiến quy trình khám, chữa bệnh bảo đảm hợp lý, đơn giản, thuận tiện như: cải tạo phòng chờ khám bệnh, tăng thêm ghế ngồi chờ, quạt, bàn khám, nhân lực. Tại các khoa, phòng đều được trang bị hệ thống máy vi tính, máy in, camera giám sát. Hiện nay, Bệnh viện có 32 máy vi tính, 32 máy in, 2 ti vi màn hình 40 inch và 26 camera giám sát.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn quy trình cũng như quyền lợi được hưởng khi đi khám, chữa bệnh, bệnh viện còn niêm yết công khai giá dịch vụ y tế, quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh khi tham gia BHYT. Quy định giờ khám bệnh, quy trình khám bệnh, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa, phòng, hòm thư góp ý, đường dây nóng..., để người bệnh dễ quan sát, theo dõi và thực hiện.

Từ khi ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện trong khám, chữa bệnh, phân quyền sử dụng phần mềm theo vị trí việc làm, phần mềm cài đặt danh mục thuốc dùng chung, danh mục dịch vụ kỹ thuật dùng chung, cài đặt giá dịch vụ theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Đến nay, các dữ liệu thông tin bệnh nhân được nhập 01 lần tại Khoa khám bệnh và sử dụng dây truyền liên thông tất cả nghiệp vụ giữa các khoa, phòng. Người dân đến khám sẽ được lưu thông tin hành chính, mã thẻ BHYT, các đơn thuốc lần khám trước đây, được gọi tên qua hệ thống loa tự động. Những người dân vào khám khi được chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sẽ được truyền dữ liệu đến các khoa, phòng. Kết quả xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang được kết nối tự động đến các khoa lâm sàng..., giúp cho y, bác sĩ thuận lợi hơn trong việc kiểm soát, điều trị cho bệnh nhân, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh được công khai, minh bạch, rõ ràng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Trung Thành, ở Thị trấn Pắc Miầu cho biết: “Hôm nay tôi đến đây để khám bệnh, tôi đã cao tuổi nên cũng thường xuyên đến bệnh viện để khám. Bây giờ đến bệnh viện khám tôi thấy các thủ tục làm nhanh gọn hơn, thời gian ngồi chờ để được vào khám bệnh nhanh hơn”. Cùng chung cảm nhận với ông Thành, anh Lý Văn Minh, ở xã Mông Ân cũng vậy, anh vào cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm đã được 02 ngày, anh nhớ lại: “Tôi bị ngộ độc thực phẩm được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, khi vào viện tôi được các y, bác sĩ ở đây xử lý kịp thời, nhanh gọn. Gia đình tôi không gặp bất cứ khó khăn gì khi làm các thủ tục khám, chữa bệnh”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT giúp giảm thời gian cho người dân khi chờ làm các thủ tục hành chính vào viện, ra viện... Đồng thời, góp phần giảm tải thủ tục hành chính cho viên chức trực tiếp làm công tác khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí. Đặc biệt, việc ứng dụng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, cho y, bác sĩ trực tiếp làm công tác khám, chữa bệnh mà còn giúp cho lãnh đạo bệnh viện quản lý, theo dõi và điều hành mọi hoạt động của bệnh viện; Quản lý được thời gian làm việc, hoạt động khám, chữa bệnh, nguồn thu của đơn vị, tình trạng sử dụng máy móc, trang thiết bị của các khoa phòng.

Mặc dù là huyện xa nhất của tỉnh Cao Bằng, điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhưng BVĐK huyện Bảo Lâm luôn khắc phục những khó khăn để đẩy mạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT. Từ đó đáp ứng sự hài lòng cũng như nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm.
1 2 3 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập