Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngoại giao vắc xin
Lượt xem: 48

Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu 24 tỉnh, thành phố trong nước và 94 điểm cầu thuộc Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằngđại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số sở, ngành gồm: Y tế, Ngoại vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Vắc xin là yếu tố quyết định để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và vắc xin trên thế giới rất khan hiếm, việc tiếp cận vắc xin là vấn đề cấp bách toàn cầu. Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược vắc xin với ba mũi nhọn: quỹ vắc xin, ngoại giao vắc xin và tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội thực hiện 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi, gửi hơn 100 thư đến lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế; các bộ, ngành chức năng có nhiều cuộc điện đàm, trao đổi tiếp cận vắc xin dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ.

Tính đến ngày 11/9/2022, Việt Nam tiếp nhận hơn 258 triệu liều vắc xin, trong đó, nguồn viện trợ là 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vắc xin tiếp nhận. Hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá 80 triệu USD… Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vắc xin hết sức thành công, giúp “xoay chuyển tình thế”, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia gia quyết định chuyển chiến lược ứng phó với dịch bệnh sớm nhất tại khu vực. Với nỗ lực thực hiện quyết liệt chiến lược tiêm chủng, từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao hàng đầu thế giới.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định chiến dịch ngoại giao vắc xin của Việt Nam hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng giúp Việt Nam trở thành số ít quốc gia “đi sau về trước” trong công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Covid-19. Thành công của công tác ngoại giao vắc xin có ý nghĩa chiến lược, khẳng định tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, luôn đặt lợi ích, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết. Thành công ngoại giao vắc xin và chiến lược vắc xin là điều kiện tiên quyết để chuyển sang chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; thành công ngoại giao vắc xin và chiến lược vắc xin tiếp tục truyền tải hình ảnh đất nước Việt Nam kiên cường, đoàn kết, tương thân, tương ái, khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đến thời điểm này, chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp của ngành ngoại giao trong thực hiện ngoại giao vắc xin, đóng góp vào thành công của chiến lược vắc xin và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ rõ 6 nguyên nhân để thực hiện thành công hoạt động ngoại giao vắc xin gồm: thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới; sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách quyết liệt, quyết đoán, trách nhiệm, "tinh thần là không câu nệ, không ngại ngùng gì cả, miễn là có vắc xin bằng mọi cách, mọi biện pháp như mua, vay, mượn, ứng trước… ở đâu có vắc xin cũng tiếp cận, không phân biệt châu lục, địa bàn, chế độ chính trị; sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại sứ, trưởng đại diện, nhân viên các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã làm việc rất tận tụy, trách nhiệm không kể ngày đêm, sớm tối trong tiếp cận vắc xin và thuốc, trang thiết bị y tế…, thu thập mọi thông tin, kinh nghiệm để chuyển về nước; sự chung tay, giúp đỡ chân thành, tận tình, tình cảm của bạn bè quốc tế và chúng ta cũng thể hiện trách nhiệm, sự chân thành với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện ngoại giao vắc xin.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đề nghị các cấp, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan trước mọi tình huống; tiếp tục làm tốt công tác ngoại giao vắc xin; đẩy mạnh công tác tiêm chủng, nhất là tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ, rủi ro cao, đối tượng là học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác ngoại giao vắc xin.

CTV

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập