Không chủ quan lơ là với dịch bệnh
Lượt xem: 138

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 trong nước có những diễn biến mới, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng cao, nhất là hiện nay biến chủng mới BA.5 của vi rút SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào Việt Nam, đây là biến chủng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân có tâm lý bắt đầu chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, không chỉ ở khu vực thành thị nơi đông dân cư mà vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, tâm lý này đang tạo nên nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

 Nhiều người bán và người mua tại chợ tạm Sông Bằng (Thành phố) không đeo khẩu trang phòng dịch

Thực tế thời gian qua, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế - xã hội được hoạt động trở lại “bình thường mới”, theo đó, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, lơ là với các biện pháp phòng, chống dịch. Không khó để bắt gặp tình trạng người dân tụ tập đông người tại khu vực vườn hoa trung tâm Thành phố, quán ăn, quán cà phê, trà chanh hay trà đá vỉa hè… không chấp hành việc đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, đến nơi công cộng; không tuân thủ việc tự cách ly khi biết mình nhiễm bệnh, một số người khái niệm dịch Covid-19 không còn tồn tại khiến họ "vô tư" bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo…

Bên cạnh đó, người dân trong tỉnh đi du lịch, nghỉ hè ở nhiều nơi và du khách đến Cao Bằng ngày càng tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc sống người dân trở lại bình thường, số ca mắc Covid-19 giảm sâu, nhiều người có tâm lý chủ quan, ngại tiêm các mũi vắc xin nhắc lại, thậm chí nhiều người đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo vì cho rằng đã có miễn dịch bảo vệ tự nhiên, tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết, đây là nguy cơ khiến dịch Covid-19 có thể bùng phát và lây lan trở lại.

Tại khu vực chợ tạm Sông Bằng (Thành phố) - nơi tập trung lượng lớn người dân tới mua bán, trao đổi hàng hóa. Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đây là khu vực đông người, có nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng nhiều người bán, người mua hàng không thực hiện đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định, nhiều người thường kéo khẩu trang xuống dưới cằm hoặc bỏ ra khi giao tiếp với người khác; vẫn còn tình trạng tụ tập đông người để nói chuyện. Khi được hỏi về tình hình dịch Covid-19 hiện nay và tại sao không đeo khẩu trang nơi công cộng, mỗi người đều có lý do riêng. Chị H.T.H, tiểu thương tại chợ tạm Sông Bằng cho biết: Mùa hè trời nắng nóng, đeo khẩu trang rất khó chịu. Hằng ngày, tôi phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, có người đeo, người không đeo, tôi cũng bị Covid-19 rồi nên không cần đeo khẩu trang nhiều, bỏ ra cho dễ chịu.

Còn tại các siêu thị, lượng người mua sắm, tập trung đông, không thể đảm bảo giãn cách, nhất là vào những ngày cuối tuần, một bộ phận khách hàng, kể cả người già và trẻ nhỏ không đeo khẩu trang vẫn vô tư mua sắm, nói chuyện. Nước rửa tay, máy đo thân nhiệt được xếp gọn một góc. Cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin. Nhiều người cho rằng, đã tiêm từ 2 - 3 mũi vắc xin là có thể yên tâm đi lại mà không sợ bị mắc Covid-19, có mắc cũng nhẹ nên không đáng lo ngại. Anh N.V.B, phường Sông Hiến (Thành phố) cho biết: Tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin và mắc Covid-19 rồi nên vấn đề tiêm thêm mũi 4 là không cần thiết, mỗi lần tiêm ảnh hưởng đến sức khỏe. Gia đình thôi cũng có 1 số thành viên cũng chưa tiêm mũi nhắc lại vì đều mắc Covid-19 rồi.

Không chỉ người dân, tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa… các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được khuyến cáo dường như cũng đã bị bỏ quên.

Đến thời điểm này dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, để giữ được thành quả phòng, chống dịch, ngoài nỗ lực của chính quyền các địa phương và ngành y tế, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cá nhân, duy trì việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tập trung đông người; đặc biệt, tiêm vắc xin phòng Covid-19 các mũi cơ bản và nhắc lại theo quy định là biện pháp tối ưu để tạo “lá chắn” phòng dịch.

 

Người dân cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 các mũi cơ bản và nhắc lại theo quy định là biện pháp tối ưu để tạo “lá chắn” phòng dịch

Đến hết ngày 10/8/2022, toàn tỉnh ghi nhận 95.868 trường hợp dương tính với SARS-COV-2, trong đó có 95.315 trường hợp được ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, 551 trường hợp ghi nhận đi từ các tỉnh, thành có dịch trong nước trở về; 02 trường hợp là công dân Việt Nam từ Trung Quốc về qua biên giới tỉnh. Riêng ngày 10/8, ghi nhận 15 trường hợp mắc Covid-19 mới. Hiện tại có 04 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh và 52 trường hợp không triệu chứng đang được cách ly điều trị tại nhà, tất cả các trường hợp này sức khỏe ổn định. Đến nay, đã có 95.843 trường hợp được công bố khỏi bệnh và 59 trường hợp tử vong.

Về công tác tiêm chủng, đến ngày 09/8/2022, toàn tỉnh phân bổ trên 1,1 triệu liều vắc xin; tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt 95,5%, mũi 2 đạt 92,1%, mũi 3 đạt 60,0%, mũi 4 đạt trên 73,4%; tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt trên 95,2%, mũi 3 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt 27,5%; mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đạt 39,7%.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng Cocid-19 cho tất cả người dân từ 5 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1967/UBND-VX ngày 01/8/2022 về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, chỉ đạo các sở , ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, Thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân. Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022.

CTV

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập