Ủy ban Xã hội của Quốc hội khảo sát làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
Lượt xem: 119

Chiều ngày 10/8/2022, Đoàn công tác của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững; chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội; phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tại tỉnh Cao Bằng.

Đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng

Tham dự có các đồng chí: Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các S, NgànhSở Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đến nay toàn tỉnh còn 42.751 hộ nghèo, chiếm tỷ 33,23%; 17.145 hộ cận nghèo, chiếm 13,33%. Dự kiến thực hiện năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% (giảm từ 33,23% xuống còn 29,23%). Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh từ 4%/năm trở lên (các huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm.

Giai đoạn 2021 - 2025, phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương trên 1.460 tỷ đồng, trong đó tỉnh phân bổ trên 1.377 tỷ đồng cho 7 huyện nghèo triển khai các dự án trên địa bàn; ngân sách tỉnh dự kiến đối ứng tối thiểu 3% để thực hiện dự án 5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo khoảng trên 93 tỷ đồng. Năm 2022, ngân sách Trung ương phân bổ 596,966 tỷ đồng; tỉnh phân bổ 543,377 tỷ đồng cho 7 huyện nghèo triển khai các dự án trên địa bàn.

Về tình hình phòng, chống ma túy, các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để tấn công, truy quét tội phạm. Kết quả đã phát hiện, bắt giữ 707 vụ, 964 đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 79 bánh heroin và trên 2.866 g heroin; 64,61g ma túy tổng hợp; trên 1.542 g thuốc phiện; 213,02g sái thuốc phiện; trên 4 tỷ đồng và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.  

Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.130 người sử dụng trái phép chất ma túy được tiến hành xét nghiệm để xác định tình trạng nghiện ma túy. Toàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; 2 cơ sở kinh doanh, phân phối thuốc gây nghiện, hướng thần; 181 cơ sở y tế sử dụng thành phẩm thuốc у gây nghiện, thuốc hướng thần. Tính đến ngày 14/6, có 3.161 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lýNăm 2021, tổ chức quản lý, giáo dục cho 293 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện; 6 tháng đầu năm 2022, có 51 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc, tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh về địa phương để tiếp tục theo dõi, quản lý; tổ chức chữa trị, giáo dục cho 202 học viên cai nghiện ma túy.

Đối với việc triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó, Báo Cao Bằng đăng tải 20 chuyên mục, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện 4 phóng sự… Các sở, ban, ngành, đơn vị treo biển “cấm hút thuốc lá” tại cơ quan, đơn vị; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ký‎ cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới không thuốc lá”, “Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá”, “Cam kết bỏ thuốc lá”. Tổ chức 269 buổi truyền thông trực tiếp về PCTHTL và các quy định pháp luật về PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, thu hút hơn 15.000 lượt người tham gia; 8 lớp tập huấn cho 320 hội viên nông dân, 8 lớp cho 400 nhân viên y tế, 200 giáo viên về nội dung tác hại và Luật PCTHTL; các đơn vị phối hợp tuyên truyền 214 cuộc/10.386 người tham gia; cấp phát 100 pa nô cho 35 cơ sở y tế trường học; 2.000 biển “cấm hút thuốc lá”, 4.000 áp phích, 5.000 tờ rơi cho các cơ quan, đơn vị, bến xe khách; phát tờ rơi cai nghiện thuốc lá cho 50.000 cho học sinh thuộc 60 trường THCS, THPT; 6.000 quyển tài liệu cho giáo viên giảng dạy ngoại khóa; treo 206 băng rôn tại các trục đường chính, tại các cơ sở tế…

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, đề nghị làm rõ các vấn đề: khắc phục tình trạng người nghiện tự nguyện cai nghiện thấp; việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện chưa cao, các biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình tại cộng đồng. Về thực hiện các CTMTQG cần xác định rõ các đối tượng thụ hưởng tránh chồng chéo giữa các dự án

Đồng chí Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu và tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác Ủy ban Xã hội

Đồng chí Lê Hải Hoà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị: Chính phủ phân bổ kinh phí triển khai Tiểu dự án 2 (thuộc dự án 3): Cải thiện dinh dưỡng; Dự án 5 (hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025.  Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn mại túy, mại dâm, hằng năm phân bổ, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật để địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống ma túy…

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tập trung nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện các CTMTQG. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ thực hiện các chương trình; lồng ghép các hợp phần của các chương trình tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, cộng đồng. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội… cần  phối hợp các Ban, Ngành liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Sở, Ban, Ngành, ở địa phương để thúc đẩy thực hiện CTMTQG theo các tiêu chí đã được phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022.

Triển khai huy động tối đa các nguồn lực, nhất là vốn ODA, để bố trí thực hiện các CTMTQG năm 2022. Tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, công tác tư vấn, xét nghiệm, đầu tư các cơ sở cai nghiện cho người nghiện ma túy. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh, xã hội của tỉnh trong thời gian tiếp theo.

                                                                               Ngọc Anh 

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập