Những điều cần biết về bệnh Thuỷ đậu và các biện pháp phòng tránh tại cộng đồng
Lượt xem: 277
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não.... Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật thai nhi.

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra.

 

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong tháng 02/2023 ghi nhận 50 trường hợp mắc tại 5/10 huyện, thành phố, không có trường hợp nào tử vong. Số mắc Thủy đậu cộng dồn đến hết tháng 02/2023 là 68 ca, tử vong 0.

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là phỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Loại virus này là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng trẻ em là phổ biến hơn.

Bệnh thủy đậu thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân, có những mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, niêm mạc lưỡi và miệng.

Bệnh Thuỷ đậu có nhiều con đường lây nhiễm, có nhiều biến chứng nguy hiểm. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng. Ngoài ra, thủy đậu còn lây truyền gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng như: sử dụng chung đồ dùng cá nhân, bàn chải đánh răng, khăn mặt, ăn uống chung với người đang bị thủy đậu.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8oC  đến 39,4 oC kéo dài 3 đến 5 ngày. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể. Là bệnh truyền nhiễm lành tính tuy nhiên Bệnh Thuỷ đạo cũng có những biên chứng nguy hiểm.

Bệnh Thủy đậu là bệnh lành tính, sẽ khỏi sau 1 thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách. Các biến chứng của thủy đậu gồm:

Gây viêm nãoviêm màng não  đi kèm các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

Viêm phổi thủy đậu: biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp, viêm tai giữa, viêm thanh quản, Nhiễm trùng máu.

Khuyến cáo đối với phụ nữ có thai khi mắc bệnh thủy đậu: Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh...Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Khi trẻ bị Thuỷ đậu cần: Cách ly bé với những người khác. Tất cả đồ dùng cá nhân của bé phải dùng riêng. Vệ sinh, chăm sóc bé: Rửa tay và cắt ngắn móng tay cho bé. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu. Thay khăn trải giường sạch và giữ phòng bé được thông thoáng. Cho bé mặc quần áo rộng và thoải mái làm bằng cotton hoặc sợi tự nhiên để tránh gây kích ứng da và ra nhiều mồ hôi. Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho bé, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó, dùng khăn mềm thấm khô người và mặc quần áo cho bé. Cần cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Cho bé uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối…

Đưa trẻ đến bác sĩ để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Lưu ý: Trong quá trình điều trị và chăm bé, mẹ phải chú ý theo dõi kỹ tình trạng của bé. Nếu thấy bé có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên tái sốt cao hay các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, nhưng đã có vắc xin phòng bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Có đến khoảng 97% người đã tiêm phòng vắc xin thủy đậu sẽ tránh được căn bệnh này.  

Để chủ động phòng tránh bệnh Thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật luôn có sẵn vắc xin tiêm phòng Thủy đậu cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là cho phụ nữ trước khi mang thai để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh lây lan.

 

Ngọc Anh 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập