Sử dụng kháng sinh hợp lý để phòng, chống kháng thuốc
Lượt xem: 678
Kháng sinh là thuốc vô cùng quan trọng được sử dụng để điều trị các bệnh lây nhiễm. Sự ra đời của thuốc kháng sinh đã mở ra kỷ nguyên mới cho y học thế giới, các bệnh nhiễm trùng nhanh chóng được điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, với việc sử dụng kháng sinh một cách không kiểm soát như hiện nay đã làm cho tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả điều trị.

Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn và phải sử dụng kháng sinh đúng liều lượng, đúng thời gian qui định

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đng trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm.

Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao, do tình trạng lạm dụng và tùy tiện sử dụng thuốc của người dân. Thực trạng này đặt chúng ta trước nguy cơ đối mặt với việc không còn thuốc kháng sinh hiệu quả để điều trị bệnh nhiễm trùng.

Theo kết quả khảo sát của ngành Y tế, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sĩ, ở khu vực thành thị là 88%, ở nông thôn tới 91%. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trầm trọng khi nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh mà nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh. Phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị.

Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay dẫn đến ngày càng có nhiều bệnh lý nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh lao,...) trở nên khó điều trị hơn hoặc thậm chí không thể điều trị được nữa.

Những nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc

Càng sử dụng kháng sinh nhiều càng có nhiều cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc. Những nguyên nhân chủ yếu của kháng thuốc bao gồm:

- Dùng kháng sinh khi không cần thiết.

- Không dùng kháng sinh đúng liều và đúng lúc/thời điểm như bác sỹ đã kê đơn, điều này tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong cơ thể bạn kháng thuốc.

Để sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, an toàn, hiệu quả trong điều trị và hạn chế tối đa những tác hại do sử dụng kháng sinh gây ra, cần nắm vững một số nguyên tắc sau đây: Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm trùng; Phải lựa chọn đúng kháng sinh và đường dùng thuốc thích hợp; Phải sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và đúng thời gian qui định; Phải biết các nguyên tắc chủ yếu về phối hợp kháng sinh. Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm.

Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn

Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn, chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như vi rút là nguyên nhân của cảm, cúm. Do đó, chỉ nên chỉ định sử dụng kháng sinh trong trường hợp có nhiễm khuẩn.

Việc sử dụng kháng sinh khi không có nhiễm khuẩn dẫn đến thất bại trong điều trị, gây tốn kém, có thể mang lại các tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Việc dùng bừa bãi kháng sinh còn làm tăng các chủng đề kháng thuốc. Để quyết định việc sử dụng kháng sinh cần tiến hành: thăm khám lâm sàng; làm các xét nghiệm lâm sàng để tìm vi khuẩn gây bệnh.

Phải sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và đúng thời gian qui định

Liều dùng của kháng sinh phụ thuộc nhiều yếu tố: tuổi người bệnh, cân nặng, chức năng gan - thận, mức độ nặng của bệnh. Không có liều chuẩn cho các trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Kê đơn không đủ liều sẽ dẫn đến thất bại điều trị và tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc. Ngược lại, với những kháng sinh có độc tính cao, phạm vi điều trị hẹp (ví dụ: các aminoglycosid, polypeptide), phải bảo đảm nồng độ thuốc trong máu theo khuyến cáo để tránh độc tính.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn, vị trí nhiễm khuẩn và sức đề kháng của người bệnh. Các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình thường đạt kết quả sau 7 - 10 ngày nhưng những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn ở những tổ chức mà kháng sinh khó thâm nhập (màng tim, màng não, xương-khớp…), bệnh Lao thì đợt điều trị kéo dài hơn nhiều. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm khuẩn chỉ cần một đợt ngắn như: nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục chưa biến chứng (khoảng 3 ngày, thậm chí một liều duy nhất).

Không nên điều trị kéo dài để tránh kháng thuốc, tăng tỷ lệ xuất hiện tác dụng không mong muốn và tăng chi phí điều trị.

Lưu ý tác dụng không mong muốn

Tất cả các kháng sinh đều có thể gây ra tác dụng không mong muốn (ADR), do đó cần cân nhắc nguy cơ/lợi ích trước khi quyết định kê đơn. Mặc dù đa số trường hợp ADR sẽ tự khỏi khi ngừng thuốc nhưng nhiều trường hợp hậu quả rất trầm trọng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong ngay (sốc phản vệ). Các loại phản ứng quá mẫn thường liên quan đến tiền sử dùng kháng sinh ở người bệnh, do đó phải khai thác tiền sử dị ứng, tiền sử dùng thuốc ở người bệnh trước khi kê đơn và phải luôn sẵn sàng các phương tiện chống sốc khi sử dụng kháng sinh.

Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt quan trọng, do bệnh lý nhiễm khuẩn hiện nay vẫn là một trong những bệnh đứng đầu về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, tránh lạm dụng thuốc, bác sỹ điều trị cần nắm vững các kiến thức liên quan đến kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh và người bệnh.

Đối với bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn dùng thuốc của bác sỹ, chỉ dùng thuốc khi được thầy thuốc thăm khám và chỉ định, dùng đúng liều lượng, đúng cách và đúng thời gian quy định.

 

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập