Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường và cách phòng tránh
Lượt xem: 128
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hoóc môn - insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Tăng đường huyết hay tăng nồng độ đường trong máu là một tác động phổ biến của bệnh đái tháo đường dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu. 

Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh. Ảnh: Đức Giang

Đái tháo đường là 1 trong 3 bệnh (sau ung thư và tim mạch) có tốc độ phát triển nhanh nhất và thường gây tàn phế, tử vong nhiều nhất hiện nay. Theo Tổ chức Y tế thế giới hiện có hơn 190 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này đang tiếp tục tăng lên. Ước tính  năm 2025 lên đến 330 triệu (gần 6% dân số toàn cầu). Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20 -79) mắc bệnh đái tháo đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu người vào năm 2040.

Tại Cao Bằng, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, tính đến tháng 10/2022, có 4.286 bệnh nhân mắc đái tháo đường đang được quản lý điều trị tại các cơ sở sơ y tế trên địa bàn tỉnh.

Dù là bệnh mạn tính có số người mắc rất lớn nhưng cớ tới 70% người dân không biết mình mắc bệnh do bệnh tiến triển hết sức âm thầm, 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Đặc biệt, bệnh đái tháo đường type 2 trước đây chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng thời gian gần đây, bệnh đã được phát hiện ở trẻ em.

Một số triệu chứng thường gặp của Đái tháo đường:

1. Hay khát nước và đi tiểu nhiều: khi mức đường huyết cao, cơ thể sẽ lấy nước từ các tế bào pha loãng đường có trong máu từ đó kích thích não tạo cảm giác để bù nước cho cơ thể. Vì vậy người tiểu đường uống nước rất nhiều, kèm theo đi tiểu thường xuyên nhất là đi tiểu đêm bởi thận phải hoạt động mạnh để loại bỏ đường dư thừa trong máu.

2. Ăn nhiều nhưng nhanh đói: Insulin ngoài chức năng chuyển Glucose nó còn có tác dụng kích thích cảm giác thèm ăn và ăn nhiều. Do đường huyết trong máu cao không chuyển được vào trong tế bào gây đói cho các tế bào cho nên kích thích cảm giác đói.

3. Thường xuyên mệt mỏi, uể oải toàn thân, dễ cáu gắt: khi mắc bệnh ĐTĐ người bệnh không còn khả năng sử dụng glucose có trong thức ăn để phục vụ các hoạt động hàng ngày mà phải lấy trực tiếp năng lượng từ mô mỡ của cơ thể điều này khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi. Bên cạnh đó việc dậy đêm thường xuyên để đi tiểu sẽ làm giảm số lượng và chất lượng giấc ngủ nên dễ nảy sinh cáu gắt.

4. Sút cân nhanh: mặc dù ăn nhiều nhưng người ĐTĐ lại tụt cân rất nhanh (từ 5 - 10 kg trong vòng 2 - 3 tháng). Nguyên nhân là do họ phải sử dụng năng lượng từ các mô mỡ đồng thời lượng đường trong thức ăn cơ thể lại không sử dụng và được đào thải qua đường nước tiểu.

5. Vết thương lâu lành: lượng đường có trong máu quá cao gây khó khăn cho các hoạt động của bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, vi trùng và dọn dẹp các mô, tế bào chết. Bên cạnh đó khi có quá nhiều đường di chuyển trong các tĩnh mạch, động mạch sẽ gây hư hại các mạch máu, khiến cho máu khó lưu thông đến các vùng khác nhau của cơ thể. Vì vậy các vết thương hở sẽ trở nên lâu lành và rất dễ bị nhiễm trùng.

6. Ngứa ran và tê bì: Đường máu cao sẽ phá hủy các dây thần kinh trong cơ thể, gây ra các hiện tượng ngứa ran và tê bì ở bàn tay, bàn chân cùng với các cơn đau nóng bỏng hoặc sưng…

7. Nhìn mờ: khi mắc ĐTĐ thị lực của người bệnh sẽ giảm đi với dấu hiệu nhìn hình ảnh bị nhòe, không rõ nét. Đó là vì khi lượng đường trong máu cao làm thay đổi hình thái của thủy tinh thể và mắt. Nếu không điều trị kịp thời glucose tăng cao sẽ tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa.

Ngoài ra có nhiều trường hợp không có những dấu hiệu trên khi đi khám sức khỏe xét nghiệm đường huyết mới phát hiện tiểu đường. Như vậy với những người có nguy cơ cao như: trên 45 tuổi, cơ thể béo phì có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể, chỉ số thể trọng) ≥ 23 kg/m², có vòng eo > 90cm, trong gia đình có người đái tháo đường ở thế hệ cận kề (Bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh đái tháo đường týp 2); Rối loạn Lipid máu; Ít hoạt động thể lực; Uống nhiều rượu, hút thuốc lá… nên kiểm tra đường huyết lúc đói ít nhất 6 tháng/1 lần.

Bệnh đái tháo đường có thể tiếp diễn trong nhiều năm, chẩn đoán không ra cho đến khi có biến chứng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng vì diễn biến âm thầm của bệnh làm cho người bệnh dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng có thể gây nên các biến chứng đe dọa tính mạng, làm suy yếu sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ.

Biến chứng mắt: Đường huyết cao khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương dẫn tới thị lực có thể bị suy giảm hoặc có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, những biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... cũng có thể xảy ra.

Biến chứng về tim mạch: Tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch là một số biến chứng hay gặp của người bệnh đái tháo đường.

Biến chứng về thần kinh là biến chứng thường xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của đái tháo đường. Bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi...

Biến chứng về thận: Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận.

Biến chứng nhiễm trùng: Đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, gây nên nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.

Với người bệnh đái tháo đường cách phòng tránh các biến chứng của bệnh hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), không có một mẫu số chung về ngưỡng đường huyết an toàn cho tất cả người bệnh. Tốt nhất, đường huyết nên đạt được trong khoảng: HbA1c < 7%; Đường huyết khi đói 3.9 – 7.2mmol/l (70 – 130mg/dl); Đường huyết trước ăn < 7.2mmol/l; Đường huyết sau ăn 2h cao nhất nên < 10mmol/l (180mg/dl).

Cách phòng tránh bệnh Đái tháo đường:

1. Giảm cân: những người thừa cân béo phì là những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, giảm cân đưa bạn ra khỏi vòng nguy hiểm của căn bệnh này. Giảm cân bằng cách kiểm soát lượng calo bổ sung vào cơ thể mỗi ngày và chăm chỉ tập luyện thể thao đều đặn.

2. Ăn nhiều chất xơ, rau xanh:  Chất xơ làm giảm hấp thu đường và loại bỏ các loại lipid làm tăng mỡ máu. Đây cũng là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu ổn định.

3. Ăn ngũ cốc nguyên hạt: theo nhiều kết quả nghiên cứu ăn ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế các đồ ăn nhanh sẽ hạn chế được nguy cơ tiểu đường, đột quỵ và tăng huyết áp…

4. Tăng cường luyện tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh có khả năng làm giảm đường huyết hiệu quả, nhờ giảm đề kháng insulin. Bên cạnh đó, việc tập luyện hợp lý cũng có thể khiến người bệnh đái tháo đường kiểm soát được cân nặng, làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng trên tim, thần kinh…

5. Không uống rượu bia: uống nhiều rượu bia làm tăng mỡ máu và gây các rối loạn chuyển hóa khác.

6. Nên ăn đa dạng thức ăn, dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, ăn lượng đường bột vừa đủ tránh dư thừa sẽ làm tăng cân, nên ăn các loại thịt nạc bỏ da, ăn cá nhiều hơn ăn thịt, hạn chế ăn mặn.

7. Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh.

Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học như: không hút thuốc, tập luyện đều đặn, có chế độ ăn đúng cách và cần phải được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển dẫn đến đái tháo đường thật sự.

Mai Hoa 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập