Huy động sự vào cuộc của cộng đồng trong công tác phòng, chống Sốt rét
Lượt xem: 404

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 219 triệu người mắc và 435 nghìn người tử vong do Sốt rét. Tại Cao Bằng theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2019 toàn tỉnh có 155/199 xã nằm trong vùng nguy cơ Sốt rét quay trở lại; 13 xã nằm trong vùng Sốt rét lưu hành nhẹ. Thực tế đó đã đang đặt ra cho những người làm công tác phòng chống Sốt rét cần tích cực chủ động thực hiện các biện pháp để khống chế và đẩy lùi dịch bệnh này.

Tẩm màn bằng hóa chất phòng, chống Sốt rét

 

Những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã củng cố mạng lưới phòng, chống Sốt rét từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống bệnh Sốt rét, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống bệnh Sốt rét cho 100% viên chức phụ trách chương trình Sốt rét ở tuyến huyện, xã và nhân viên y tế thôn bản. Tăng cường giám sát dịch bệnh đảm bảo mỗi xóm vùng trọng điểm Sốt rét được giám sát mỗi tháng 1 lần, vùng Sốt rét vừa 2 tháng 1 lần nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những nơi có nguy cơ xảy ra dịch Sốt rét. Kết quả năm 2019 đã thực hiện 652 lượt giám sát dịch tễ Sốt rét tại 808 điểm, giám sát véc tơ 25 lượt tại 69 điểm và 320 lượt giám sát điều trị và sử dụng thuốc tại 368 điểm. Cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Sốt rét tại tuyến y tế cơ sở. Công tác phòng chống Sốt rét đã đạt được các mục tiêu cơ bản, không có dịch Sốt rét xảy ra, không có trường hợp nào tử vong do Sốt rét. Năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện và điều trị cho 105 bệnh nhân Sốt rét, trong đó có 02 bệnh nhân có ký sinh trùng Sốt rét dương tính, số bệnh nhân Sốt rét giảm 31,38% so với năm 2018; Xét nghiệm 18.117 lam kí sinh trùng Sốt rét, đạt 120,78% kế hoạch, dân số được bảo vệ bằng hóa chất là 26.487 người (đạt 115% kế hoạch).

Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Phong - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn Trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác phòng, chống Sốt rét đó là bệnh nhân mắc Sốt rét chủ yếu do nhân dân có thói quen đi làm nương rẫy, khai thác lâm thổ sản ngủ lại ở rừng, nương rẫy, đặc biệt người dân sống trong vùng lưu hành bệnh Sốt rét, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên rất khó kiểm soát. Khi mắc Sốt rét, người dân không đến Trạm Y tế khám để được điều trị kịp thời. Một số viên chức làm công tác phòng, chống Sốt rét tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn dẫn đến việc giám sát, quản lý phòng chống Sốt rét tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Mục tiêu của Chương trình Phòng chống Sốt rét năm 2020 là khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh Sốt rét dưới 0,19/1.000; tỷ lệ tử vong dưới 0,02/100.000 dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh Sốt rét tại các vùng có bệnh Sốt rét lưu hành nặng, Sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao, ngăn chặn Sốt rét quay trở lại. Phấn đấu loại trừ bệnh Sốt rét vào năm 2030.  

Để đạt được mục tiêu này cần có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền, quan tâm đầu tư thỏa đáng, thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống Sốt rét, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong việc quản lý dân di cư tự do. Đối với người đi từ vùng Sốt rét lưu hành về cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe và lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng Sốt rét. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng Sốt rét lưu hành.

Để dịch bệnh Sốt rét được khống chế, kiểm soát một cách ổn định, bền vững. Ngoài sự cố gắng của ngành Y tế, bà con nhân dân cần giữ gìn vệ sinh nhà, môi trường xung quanh sạch sẽ, ngủ nằm màn, kể cả ban ngày, những người đi vào vùng có nguy cơ mắc bệnh Sốt rét có thể uống thuốc dự phòng theo đúng hướng dẫn. Đó là cách tốt nhất để phòng bệnh, tiến tới đẩy lùi được hoàn toàn bệnh Sốt rét.

 

                                                                             Mai Hoa 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập