Y tế Cao Bằng: 77 năm - Một chặng đường
Lượt xem: 232
Hơn 70 năm qua, ngành Y tế Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trải qua từng thời kỳ cách mạng, công chức, viên chức, người lao động của ngành Y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Thị xã Cao Bằng tháng 2 năm 1961. Ảnh Tư liệu

Đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ngành Y tế Cao Bằng đã hăng hái chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đánh thắng thực dân Pháp (1946 - 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bước vào thời kỳ cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Y tế Cao Bằng đã không ngừng phấn đấu thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Giai đoạn 1945 - 1954, Cách mạng Tháng Tám thành công, n­ước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của ngành Y tế, nền y tế cách mạng được thiết lập để phục vụ nhân dân. Tháng 12/1945, Bác sĩ Nguyễn Duy Ngọ là người đầu tiên đ­ựợc Bộ Y tế điều lên Cao Bằng và được giao làm Trư­ởng Ty Y tế. Lúc này nhân viên y tế rất thiếu thốn, để có nhân viên y tế làm việc, Bác sĩ Nguyễn Duy Ngọ đã cho mở lớp y tá sơ cấp, do không có trường lớp và không có kinh phí nên Ty Y tế đã vận động con em ở Thị xã đi học tự túc. Tham gia học lớp y tá đầu tiên này có 27 người.

Y tế Cao Bằng được ra đời sau Cách mạng Tháng Tám nhưng do phải tập trung bắt tay ngay vào phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp cùng với những khó khăn khác như thiếu cán bộ, do địa hình xa xôi, giao thông đi lại khó khăn... nên Y tế Cao Bằng khi đó chưa có điều kiện thiết lập tất cả tại các huyện trong toàn tỉnh. Ty Y tế (lúc này chưa có các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Ty mà chỉ có Văn phòng Ty gồm cả Phòng pha thuốc và Phòng nhân viên trực ), 01 bệnh viện, 01 phòng khám bệnh và phát thuốc, 01 phòng giải phẫu, 01 kho thuốc, 01 nhà hộ sinh. Đối với tuyến huyện có 10 phòng cấp cứu huyện và 09 nhà hộ sinh huyện. Đối với xã: việc đào tạo y tế xã chưa thực hiện được, chỉ mới huấn luyện được một số cán bộ xã thuộc các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hạ Lang và Thị xã về phương pháp chủng đậu và vệ sinh thường thức thôn quê.

Ngày 27/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế, trong thư Người đã ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên ngành Y tế và dặn dò, nhắc nhở: “phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn "Lương y phải như từ mẫu". Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế được đăng trên Báo Nhân dân số 362 ngày 27/02/1955 có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, trở thành nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động của ngành Y tế và để các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Y tế Việt Nam không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Tư tưởng, quan điểm của Bác trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế đã trở thành kim chỉ nam để Đảng ta xây dựng thành những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển nền Y tế Việt Nam.

Ngày 21/02/1961, nhân chuyến về thăm tỉnh Cao Bằng, mặc dù rất bận, mọi chương trình đã có kế hoạch thực hiện, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm Bệnh viện tỉnh. Thời kỳ đó, bệnh viện tỉnh còn ở ven bờ Sông Bằng đọan cuối Phố Thầu. Người đã vào thăm các bệnh nhân ngay tại giường bệnh, vừa mới nghỉ tết nguyên đán, nên trong bệnh viện chỉ có bệnh nhân nặng, Bác ân cần động viên bệnh nhân yên tâm điều trị để chóng khỏi bệnh và đến đầu giường từng người tặng quà cho các bệnh nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Thị xã Cao Bằng tháng 2 năm 1961. Ảnh: Ảnh Tư liệu

Bác khen “Tuy bệnh viện có ít người nhưng tinh thần phục vụ của nhân viên y tế rất tốt, đoàn kết tốt”.

Ngoài ra Bác còn dặn thêm vì “Cao Bằng chủ yếu là dân tộc ít người còn lạc hậu, mê tín dị đoan còn nhiều. Các cô, các chú phải kiên trì giải thích cho họ hiểu có bệnh tật thì phải chữa không được bói toán”.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cao Bằng, thăm Bệnh viện là nguồn cổ vũ tinh thần cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế rất lớn. Những lời Bác dạy trở thành mục tiêu phấn đấu của ngành. Thực hiện lời dạy của Bác, ngành Y tế đã phát động nhiều phong trào thi đua như: thi đua với “ ba cải tiến” (cải tiến về tổ chức, nghiệp vụ, lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp), thi đua học tập y tá Trần Xuân Dậu, thi đua “Học tập và đuổi kịp bệnh xá Vân Đình, thực hiện tốt như bệnh xá Hồi Xuân, sạch như xã Phú Lệ”. Qua các phong trào thi đua người tốt việc tốt đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của ngành Y tế Cao Bằng như chiến sĩ thi đua - y sĩ Lã Thị Xuân.

Trong giai đoạn 1955 -1965, mặc dù còn rất non trẻ do mới được thành lập, Y tế Cao Bằng đã xây dựng được h thống y tế tuyến xã với tên gọi khi đó là Trạm Y tế và hộ sinh xã, qua đó đã thực sự đưa y tế đến với dân, gần dân; tiếp tục tổ chức tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, đặc biệt là phòng chống sốt rét, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và bệnh xá, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế nhất là y tế cho tuyến xã, tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, thành lập Trường cán bộ y tế  và một số trạm chuyên khoa: Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm Sốt rét... Đây là những cơ sở, tiền đề rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc để Y tế Cao Bằng tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Giai đoạn 1966 - 1975, tổ chức y tế của tỉnh đã từng bước phát triển và ngày càng có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở đã được hình thành sâu rộng. Các tổ chức vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh, đông y, dược, đào tạo... đã được thành lập. Đến năm 1974, toàn tỉnh có 745 gường bệnh, trong đó tuyến tỉnh là 245 gường và tuyến huyện là 500 giường; khám bệnh cho 250.000 lượt người, điều trị nội trú 25.800 bệnh nhân, thực hiện 900 ca phẫu thuật các loại.

Giai đoạn 1976 - 1985, đội ngũ cán bộ y tế ngày một trưởng thành và lớn mạnh, hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện. Cuối năm 1985 ngành Y tế tỉnh đã có 2.197 cán bộ. Trong đó gồm 194 bác sĩ, 35 dược sĩ đại học, 438 y sĩ, 37 dược sĩ trung học, 187 y tá cấp II, 44 kĩ thuật viên dược, 74 hộ sinh cấp II… có 15,7 y, bác sĩ/vạn dân trong đó 3,7 bác sĩ và 12 y sĩ/vạn dân.

Thực hiện Chỉ thị số 407 ngày 14/11/1979 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 326 ngày 15/12/1979 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Hội đồng Chính phủ về việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy các tỉnh Biên giới. Ngày 15/4/1980, UBND tỉnh đã có Quyết định số 267 hợp nhất Ty Y tế Cao Bằng với Ty Thể dục thể thao Cao Bằng thành Sở Y tế - Thể dục thể thao Cao Bằng.

Sau gần 02 năm hoạt động, ngày 20/10/1982, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 658 tách Sở Y tế - Thể dục thể thao thành Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Sở Thể dục thể thao tỉnh Cao Bằng.

Với những cống hiến thầm lặng, hy sinh hết mình trên mặt trận chăm sóc sức khỏe nhân dân, người cán bộ y tế luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ tưởng đã có Quyết định số 39 lấy ngày 27/2 hàng năm làm ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhằm cổ vũ cán bộ y tế quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, ra sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giai đoạn từ 1986 - 2000, 100% số xã, phường trong tỉnh có cơ sở y tế và cán bộ y tế, trong đó có 148 xã, phưòng có nhà trạm (77 trạm được trang bị dụng cụ y tế đồng bộ); một số thôn bản có túi thuốc y tế dự phòng chống sốt rét, phòng chống bướu cổ, thanh toán bệnh phong, tiêm chủng mở rộng cho trẻ… Thành tựu cơ bản của ngành Y tế Cao Bằng trong giai đoạn này, đóng vai trò quyết định đạt hiệu quả, khẳng định đường lối quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước ngày càng phù hợp, đáp ứng chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân với các mô hình xã hội hoá công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ tại cộng đồng ngày càng phong phú, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương.

Giai đoạn 2001- 2011: Hệ thống y tế tỉnh cơ bản đã được hoàn thiện từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, tích cực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện tốt chế độ khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai; công tác dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm thực hiện. Những kết quả trên đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của công tác Y tế tỉnh Cao Bằng trong những giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2012 - 2021, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ toàn dân. Ngành Y tế tiếp tục tập trung xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, quan tâm đào tạo cán bộ chuyên khoa với nhiều chuyên ngành, tăng cường nguồn lực cho các tuyến và kiện toàn đội ngũ y tế thôn bản, kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, chủ động triển khai các biện pháp y tế dự phòng với công tác khám chữa bệnh. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh  nguy hiểm.

Đặc biệt là trong 2 năm qua, đứng trước đại dịch COVID-19, ngành Y tế Cao Bằng càng khẳng định vai trò chủ động, bản lĩnh vững vàng, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm trước sự nghiêp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đồng chí Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế kiểm tra việc triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân cho công dân đang thực hiện cách ly tập trung tại Khu cách ly Lương Thiện, huyện Quảng Hoà trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Đức Giang

Đội ngũ cán bộ y tế đã được tăng cường ở tất cả các tuyến, bình quân toàn tỉnh có 15 bác sỹ trên một vạn dân, 140/161 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc (chiếm 87%). 129/161 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm 80,1% (đạt 106,5% Kế hoạch giao). Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân không ngừng được nâng lên, một số kỹ thuật chuyên sâu trước đây phải chuyển bệnh viện Trung ương, nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số BV, TTYT huyện đã thực hiện được. Những kết quả đó góp phần mở rộng và nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa đều có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế bảo đảm nhanh chóng, an toàn và có hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Trong thời gian tới, ngành Y tế Cao Bằng tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ, tiếp tực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh;  chú trọng các chuyên khoa sâu và chuyển giao kỹ thuật mới cho các Bệnh viện tuyến, Trung tâm y tế tuyến huyện. Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh các cấp và hệ thống đánh giá phản hồi của người dân. Kết hợp giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu với các dịch vụ y tế chuyên sâu và đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh.

77 năm qua, ngành Y tế Cao Bằng đã từng bước vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”. Đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp vào sự trưởng thành và lớn mạnh của ngành, trong đó có 01 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và Huân chương Độc lập hạng Ba, 02 đơn vị được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 4 đơn vị và 02 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Hai; 7 đơn vị và 8 cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng Ba; 01 cá nhân được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và 60 cá nhân đạt danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú (tính đến năm 2020).

Những thành tích trên đã góp phần tô thắm thêm bề dày thành tích cũng như những đóng góp, những hy sinh và sự cống hiến hết mình của các thế hệ đi trước. Tiếp nối truyền thống và phát huy những thành quả đã đạt được, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Cao Bằng đang ra sức thi đua, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, rèn đức luyện tài, xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân và vì nhân dân.

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập