Khám sàng lọc giúp người bệnh phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp
Lượt xem: 424
Tăng huyết áp (THA) là khi áp suất của máu đẩy vào thành mạch của máu lên quá cao và có thể gây nguy hiểm đến mạch máu hay những cơ quan khác trong cơ thể. Đây là bệnh lý thuờng gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi. Theo số liệu điều tra của Viện tim mạch Việt Nam cho thấy cứ 100 người thì có 25 người bị bệnh Tăng huyết áp. Tuy nhiên gần 60% người bị Tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Khám kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi tại Trạm Y tế phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng. Ảnh: Trọng Thụ

Tăng huyết áp được chia thành 2 loại gồm: Tăng huyết áp nguyên phát và Tăng huyết áp thứ phát. Trong đó, tăng huyết áp nguyên phát, tức là tăng không rõ nguyên nhân chiếm từ 93 - 95%. Ở trường hợp này, các yếu tố gây Tăng huyết áp thường do tuổi cao, di truyền, bệnh tật, ít vận động và sử dụng các chất kích thích. THA thứ phát thường được xác định bởi một nguyên nhân như: mắc bệnh tim mạch, thận, cường giáp hoặc sử dụng thuốc giữ muối, nước trong cơ thể. Điểm khác biệt nhất giữa THA nguyên phát và thứ phát là THA nguyên phát sẽ chữa được triệt để sau khi điều trị đúng bệnh, không phải dùng thuốc lâu dài như THA thứ phát.

Trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh THA thì tuổi cao, tiểu đường, béo phì được coi là 3 tâm điểm gây bệnh THA. Tuổi càng cao, thành động mạch bị lão hoá và xơ vữa, làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn. Vì thế, huyết áp tâm thu tăng cao hơn. Khoa học cũng chứng minh, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh THA cao gấp đôi những người không bị tiểu đường. Khi nhiễm cả 2 bệnh trên sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu và nguy cơ tử vong so với bệnh nhân THA đơn thuần. Với người thừa cân, béo phì cũng làm tăng nhanh huyết áp vì cân nặng có quan hệ khá tương đồng với bệnh THA.

Ngoài ra, rối loạn lipid máu, hút thuốc, ăn mặn, uống nhiều rượu bia, ít vận động, căng thẳng, lo âu quá mức hay tiền sử gia đình có người bị THA cũng là những yếu tố nguy cơ gây bệnh THA.

Tăng huyết áp được xem là "kẻ giết người thầm lặng" vì không có triệu chứng điển hình và thậm chí người mắc không biết mình bị bệnh. Đây cũng là lý do gần 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch gây rối loạn nhịp tim, suy tim; các biến chứng về não, biến chứng về thận gây suy thận và biến chứng về mắt. Đối với người bị cao huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người bình thường.

Tại Cao Bằng, số bệnh nhân đến khám và điều trị Tăng huyết áp ở các cơ sở y tế đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên. Tại Phòng khám và điều trị bệnh mãn tính - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý, điều trị cho 2.034 bệnh nhân THA và biến chứng do THA. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đến hết quý I năm 2020, toàn tỉnh có 18.877 người bị bệnh Tăng huyết áp (tăng 5.814 người so với cùng kỳ năm 2019).

Năm 2019, Chương trình phòng chống bệnh Tăng huyết áp đã triển khai khám sàng lọc tại 46 xã, phường. Kết quả đã khám sàng lọc cho 14.794 người, phát hiện mới 2.958 người Tăng huyết áp. Tổ chức triển khai, quản lý, điều trị Tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại 60 xã thuộc các huyện Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, Bảo Lâm, dự kiến triển khai nhân rộng tại 70% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trong năm 2020.

Thông qua hoạt động khám sàng lọc, người dân biết được tình trạng huyết áp của mình và kịp thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt để phòng và điều trị tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể phòng ngừa được nếu chúng ta quyết tâm thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thực sự được cộng đồng quan tâm, chủ động phòng tránh.

Để phòng ngừa bệnh THA, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh THA gây ra, cần từ bỏ thói quen ăn mặn, hạn chế chất mỡ động vật, thức ăn giàu cholesterol, không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu, bia…Thay vào đó, người bệnh tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả tươi trong chế độ ăn hàng ngày, sử dụng các loại dầu thực vật trong chế biến thức ăn, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày vào một thời điểm nhất định và mỗi lần tập ít nhất từ 30 đến 45 phút. Đặc biệt, phải chú ý kiểm tra sức khoẻ và huyết áp định kỳ nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để có hướng xử lý và điều trị kịp thời. 

                      Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập