Tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Lượt xem: 252
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotin là một chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Ngoài nicotine thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất khác và khoảng 15,500 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

Hình minh hoạ

Trong thuốc lá điện tử có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.

Thuốc lá nung nóng (HTPs) sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc (hoặc viên nén thuốc lá) đến nhiệt độ đủ để tạo ra “sol khí” (khói) có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá.

Hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm kết hợp (lai) giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Ở thanh thiếu niên, theo kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (GSHS 2019), Bộ Y tế (GYTS 2022) và kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; Ở nhóm 13 -15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023; Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh năm 2023 thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, mỗi năm có ít nhất là 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tuy là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu nhưng rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khỏe của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với "sol khí"/khói của các sản phẩm này. Việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá.

Một số ảnh hưởng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khoẻ

Thuốc lá điện tử gây tác hại đến hệ hô hấp

Tác động của thuốc lá điện tử đối với chức năng phổi đã được báo cáo. Chức năng phổi giảm và sức cản hô hấp tăng ở người sử dụng thuốc lá điện tử so với những người không sử dụng. Một nghiên cứu cắt ngang khác trên 44.817 người trưởng thành ở Canada cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến tỷ lệ suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi ở người dùng thuốc lá điện tử so với những người không hút thuốc và không sử dụng thuốc lá điện tử.

Sử dụng thuốc lá điện tử được phát hiện liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp. Năm 2019 tại Mỹ, một loạt trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng ở những người sử dụng thuốc lá điện tử không có tiền sử bệnh phổi đã được ghi nhận. Số ca bệnh tiếp tục tăng và đạt đỉnh 2.807 ca nhập viện vào tháng 2 năm 2020, trong đó có đến 68 ca tử vong.

Ngoài EVALI, các nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử có khả năng liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các rối loạn hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc biệt ở những người hút đồng thời cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử.

Giống như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh hô hấp có liên quan đến thuốc lá điện tử. Một nghiên cứu dựa trên 5 cuộc khảo sát lớn trên học sinh trung học ở Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ báo cáo rằng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, ho mãn tính hoặc viêm phế quản mạn tính ở những học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn so với học sinh chưa từng sử dụng.

Tác hại đối với tim mạch của thuốc lá điện tử

Do mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại nên các tác động lâu dài của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe chưa được đánh giá đầy đủ, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến chức năng tim mạch.

Thuốc lá điện tử có thể dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, thậm chí là hít phải trong thời gian ngắn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến việc tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ.

Nguy cơ ung thư

Những bằng chứng gần đây chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư. Sol khí sinh ra từ thuốc lá điện tử có thể tăng cường hoạt động các enzym gây ung thư, dẫn đến tổn thương DNA và ung thư sau khi hút trong thời gian dài. Không chỉ có sol khí, mà cả việc tiếp xúc với kim loại trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

Bằng chứng gần đây đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử gây tổn thương DNA, làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể làm tăng khả năng kháng hóa trị, tăng khả năng sống sót của tế bào ung thư và yêu cầu liều hóa trị cao hơn.

Bệnh về răng miệng

Đối với sức khỏe răng miệng, các nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng cao hơn nhiều so với những người không bao giờ sử dụng.

Các nguy cơ sức khỏe khác

Thuốc lá điện tử có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, sau đó là tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Một số trường hợp viêm loét đại tràng đã được ghi nhận. Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm...

Hậu quả kinh tế, xã hội do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Gia tăng gánh nặng kinh tế cho hộ gia đình và quốc gia do chi phí để điều trị bệnh do sử dụng các sản phẩm này, giảm năng suất lao động do bị bệnh và tử vong sớm, và tổn thương tâm lý.

Nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội do sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử:

- Mỹ: 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng thuốc lá điện tử đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử.

- Việt Nam: một số trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự Bộ Công An.

Ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn:

-Thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bao gồm: nhiều thành phần (nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch điện tử…), bị vứt bỏ sau khi sử dụng gây ảnh hưởng đến môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, thuốc lá cho dù là thuốc lá điếu thông thường hay thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe con người và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tổ chức Y tế giới khuyến cáo, không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn và không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Theo Bộ Y tế, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Ngày 13/5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 47/CĐ-TTG về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Yêu cầu các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công thương, Tài chính chỉ đạo lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực biên giới, đường mòn, lối mở; xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, các đối tượng đầu nậu, tập trung vào các đối tượng buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật; tăng cường quản lý thị trường nội địa để phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

 

Mai Hoa

 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập