Bệnh viêm phổi, nguyên nhân và cách phòng tránh
Lượt xem: 172
Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Thông thường, có nhiều tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi, nhưng thường do vi khuẩn, vi rút và nấm. Bệnh viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm phổi nặng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền, hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ bị viêm phổi, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời

Ngày 15/2, Khoa Cấp cứu - Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận, xử trí 01 trường hợp bệnh nhân nam 61 tuổi mắc viêm phổi rất nặng, đã có biến chứng suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy gan, suy thận cấp trên nền bệnh nhân mắc bệnh lý Tăng huyết áp. Sau khi cấp cứu ban đầu, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi

Viêm phổi là những viêm nhiễm ở phổi do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường do vi khuẩn hoặc vi rút. Thời tiết chuyển mùa đông xuân, đêm lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển. Bệnh thường xảy ra khi thời tiết giao mùa, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, đúng cách.

Đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi

Trẻ em: Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, trong đó có khoảng 11 triệu trẻ nhập viện. Viêm phổi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và có khoảng 4.000 trẻ chết vì viêm phổi.

Phụ nữ mang thai: Thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ suy giảm nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Do đó, phụ nữ mang thai dễ mắc viêm phổi. Bệnh viêm phổi trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Bệnh sẽ tác động làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, sinh non, có thể gây sẩy thai. Đặc biệt, người bình thường mắc viêm phổi nhẹ có thể điều trị tại nhà, và bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 2 đến 3 tuần. Đối với phụ nữ đang mang thai, nếu nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cần lập tức đi khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng thai nhi.

Người lớn tuổi: Người lớn tuổi có sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường họ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi. Người cao tuổi mắc bệnh viêm phổi nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, điển hình là suy hô hấp.

Người mắc bệnh mãn tính có nhiều khả năng bị viêm phổi nếu mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc bệnh tim.

Hút thuốc lá làm hỏng hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại vi khuẩn và vi rút gây viêm phổi.

Hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc bị ức chế như những người bị nhiễm HIV/AIDS, đã được ghép tạng, hoặc những người được hóa trị hoặc dùng steroid dài hạn đều có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. 

Các triệu chứng bệnh viêm phổi

Các biểu hiện bệnh viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố nhưloại vi trùng gây viêm phổi, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ thường tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, nhưng chúng kéo dài hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể bao gồm: Đau ngực khi bạn thở hoặc hoho có đờm, mệt mỏiđổ mồ hôi và ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, khó thở. Người già hoặc người suy giảm miễn dịch có thể không sốt

Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo viêm phổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể có dấu hiệu như: Nôn mửa, sốt cao, co giật, ho, trẻ bứt rứt, mệt mỏi, trẻ khó thở, bỏ bú, bỏ ăn, tím tái, li bì, rút lõm lồng ngực.

Các biện pháp phòng tránh bệnh viêm phổi

Để phòng tránh viêm phổi khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi mỗi người cần chủ động giữ gìn sức khỏe, cần giữ ấm cơ thể tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, ngực nhất là với hai đối tượng dễ mắc viêm phổi là người cao tuổi, người có bệnh nền và trẻ nhỏ. Giữ vệ sinh nơi ở, đồ dùng hàng ngày, đeo khẩu trang khi ra ngoài và súc họng bằng nước muối để phòng các bệnh mũi họng. Chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Sắp xếp chế độ lao động, nghỉ ngơi, rèn luyện thể dục hợp lý theo thể trạng từng người.

Các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo khi có những triệu chứng nghi ngờ bị viêm phổi, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không được tự ý mua thuốc uống ở nhà, dẫn tới việc khi đến bệnh viện đã quá muộn, dễ biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sỹ về sử dụng thuốc, chế độ nghỉ ngơi và ăn uống. 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập