Giám sát hỗ trợ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại huyện Hạ Lang
Lượt xem: 338
Ngày 28/9/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành lập đoàn công tác giám sát, hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại huyện Hạ Lang.

Đoàn công tác giám sát, khám sàng lọc cho học sinh Trường Tiểu học xã Cô Ngân (Hạ Lang).

 

Trước đó, ngày 27/9/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận được thông tin báo cáo nhanh qua điện thoại về việc ghi nhận 8 học sinh tại Trường Tiểu  học xã Cô Ngân nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Ghi nhận tại Trường Tiểu học xã Cô Ngân trong sáng 28/9/2023, toàn trường có 125 học sinh đang theo học tại 5 nhóm lớp, mỗi lớp có trên 20 học sinh. Qua giám sát và khám sàng lọc tại lớp 1 và lớp 3 có 5 học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ với những triệu chứng như: đau, nhức, mắt đỏ, ngứa, nước mắt chảy nhiều, rỉ mắt nhiều…

Sáng ngày 28/9, tại Trạm Y tế xã Cô Ngân số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám cũng có xu hướng tăng cao. Đoàn công tác cũng đã tiến hành xuống tận hộ gia đình ở xóm Bản Nhôn, xã Cô Ngân. Kết quả, tại xóm Bản Nhôn ghi nhận mới 3 người dân mắc; riêng trong sáng 28/9, ghi nhận 9 trường hợp mắc mới.

Đoàn công tác đã tư vấn và hướng dẫn cho cơ sở giáo dục, hộ gia đình về các biện pháp phòng chống dịch đau mắt đỏ như: cách ly trường hợp bị mắc bệnh, cần phải phun khử trùng tại các lớp có học sinh mắc nhằm hạn chế dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Tính đến 10h00 ngày 28/9/2023, toàn tỉnh ghi nhận 18 ca mắc bệnh đau mắt đỏ; tại xã Cô Ngân (Hạ Lang ) ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có 14 học sinh và 3 người lớn tại cộng đồng. Tại Bệnh viện Tĩnh túc 01 trường hợp.

 

anh tin bai

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám tại gia đình anh Đàm Văn Hướng ở xóm Bản Nhôn, Cô Ngân, Hạ Lang.

 

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ bùng phát, ngành Y tế tỉnh Cao Bằng khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tránh tai biến đáng tiếc.

Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, dễ lây nhưng lành tính, ít để lại di chứng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh và can thiệp kịp thời khi mắc bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, khi bị đau mắt đỏ người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt bằng cách rửa mắt; uống thuốc giảm đau, chống viêm; tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. Người bệnh đau mắt đỏ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt; đồng thời nên hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, dùng riêng đồ dùng cá nhân, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, mang kính mắt khi ra đường, rửa mắt với dung dịch theo chỉ định của bác sĩ. Người mắc bệnh đau mắt đỏ hoặc có dấu hiệu đau mắt đỏ cần giữ gìn vệ sinh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, Sở Y tế đề nghị các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, triển khai kịp thời các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch đau mắt đỏ; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo khẩn trương phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến giáo viên, các bậc phụ huynh đảm bảo vệ sinh nhà cửa, trường học, hướng dẫn và giúp trẻ em về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ, khám và dùng thuốc phù hợp khi mắc bệnh.

 

Ngọc Anh

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 19
  • Hôm nay: 350
  • Trong tuần: 9 531
  • Tháng hiện tại: 38 946
  • Tổng lượt truy cập: 780504
Đăng nhập