Bố trí trên 2,5 tỷ đồng triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV tại tỉnh năm 2023 - 2024
Lượt xem: 207
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV tại tỉnh năm 2023 - 2024.

Bác sĩ tư vấn, cấp phát thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV tại Trạm Y tế xã Mai Long (Nguyên Bình)

Theo đó, dựa trên báo cáo đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về tình hình dịch HIV tại tỉnh, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 25/5/2023, tổng số ca phát hiện nhiễm HIV là 55 ca. Cụ thể huyện Nguyên Bình 27 ca, Bảo Lạc 8 ca; Trùng Khánh 7 ca; Thành phố 8 ca; Bảo Lâm 4 ca; Hà Quảng 1 ca. Quần thể nguy cơ đa số là người nghiện chích ma túy. Có 32/55 trường hợp đã được điều trị ARV, 20 trường hợp chưa điều trị, 3 trường hợp tử vong.

Qua đánh giá cho thấy, hệ thống theo dõi giám sát và cảnh báo dịch dựa vào hệ thống giám sát hoạt động chưa hiệu quả. Công tác tư vấn và xét nghiệm HIV đã thực hiện tại 10 Trung tâm Y tế huyện, Thành phố nhưng do địa hình miền núi, đường sá đi lại khó khăn nên chưa thuận tiện cho việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ khi dịch HIV gia tăng. Hiện tại người nhiễm HIV chưa được kết nối điều trị do họ không hợp tác hoặc địa điểm quá xa do đó không thể tiếp cận dịch vụ. Trong số các ca mới phát hiện trong 5 tháng đầu năm, chỉ có 32/55 trường hợp được kết nối điều trị ARV. Chỉ một số trường hợp nhận bơm kim tiêm sạch vì chỉ có 1 điểm cung cấp tại trung tâm xã mà khoảng cách đến một số thôn/xóm có nguy cơ cao xa, đi lại khó khăn. Hiện tại 10/10 huyện, Thành phố đều có cơ sở điều trị Methadone, tuy nhiên còn nhiều người sử dụng ma túy chưa được quản lý.

Dịch vụ cấp phát bao cao su chỉ có bao cao su cho Chương trình kế hoạch hóa gia đình, do đó nhiều bạn tình/bạn chích chưa nhận được dịch vụ này; còn nhiều người có quan hệ tình dục không an toàn. Hiện tại không có dịch vụ điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV - PrEP tại tỉnh và số lượng vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV bị nhiễm HIV cao. Nhân lực tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh còn thiếu và năng lực chuyên môn còn hạn chế.

Việc triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng nhằm kiểm soát sự gia tăng nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV tại tỉnh, trong đó chú trọng đến các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh và tăng cường các hoạt động phòng chống, điều trị HIV/AIDS của các huyện, Thành phố giai đoạn 2023 - 2024 góp phần đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết  tình  trạng  nhiễm  của  mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, 90% số người điều trị ARV có tải lượng vi rút  HIV ở mức  thấp dưới ngưỡng ức chế.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị coi phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, đưa vào kế hoạch hằng năm. Đảm bảo có sự phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đồng thời tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của xã hội và của ngành y tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục vận động, huy động các nguồn viện trợ quốc tế, thu hút các nhà tài trợ mới để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đảm bảo người dân, đối tượng nguy cơ cao và các bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Mục tiêu triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng dựa trên các khoảng trống dịch vụ và yếu tố gia tăng dịch để kiểm soát sự gia tăng nhiễm HIV trong các nhóm quần thể nguy cơ cao trong đó chú trọng đến nhóm nghiện chích ma túy, vợ/chồng bạn tình người nhiễm HIV tại các xã trong huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh giai đoạn 2023 - 2024  theo nguồn lực. Nâng cao năng lực và cải thiện chất lượng các dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV/AIDS để đảm bảo độ bao phủ, thuận tiện cho việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại các huyện Nguyên Bình, huyện Bảo Lạc và huyện Trùng Khánh giai đoạn 2023 - 2024. Tăng cường hoạt động tư vấn xét nghiệm và giám sát chủ động, định kỳ đánh giá tình hình dịch HIV để kịp thời phát hiện sự gia tăng dịch HIV trong các nhóm nguy cơ và triển khai đáp ứng y tế công cộng tại các huyện, Thành phố giai đoạn 2023 - 2024 và những năm tiếp theo.

Việc triển khai đáp ứng dựa trên nguyên tắc: Tất cả các bệnh nhân chẩn đoán nhiễm HIV đều nhận được gói dịch vụ chăm sóc và điều trị ngay sau khi được chẩn đoán; cần có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, viên chức từ các chương trình giám sát xét nghiệm; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị HIV/AIDS khi thực hiện đáp ứng với chùm lây nhiễm HIV dưới sự điều phối và chỉ đạo của Sở Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS; các can thiệp trong khuôn khổ đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV được xây dựng dựa trên số liệu, các khoảng trống dịch vụ tại địa bàn có chùm lây nhiễm HIV.

Tập trung vào hoạt động ưu tiên: Mở rộng các phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các tuyến y tế cơ sở tuyến xã, phường, thị trấn ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là ở các cụm dân cư có nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV; mở các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại tuyến huyện; mở rộng và duy trì các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn có nhiều người nghiện chích ma túy; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng đối với các địa bàn có nhiều người nhiễm của các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh; nghiên cứu triển khai mô hình PrEP.  Chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch đối với các huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lạc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Các giải pháp chủ yếu: Nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về chủ động giám sát và cảnh báo dịch sớm; củng cố và mở rộng công tác tư vấn xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế nhà nước và xét nghiệm HIV trong cộng đồng; tăng cường và mở rộng cơ sở điều trị ARV/điểm cấp phát thuốc cho bệnh nhân thuộc các khu vực điểm nóng; tăng số điểm cấp phát bơm kim tiêm, tăng cường cấp phát BCS đối với người có nguy cơ cao tại các điểm nóng (thôn/xóm); tăng cường và mở rộng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone cho các khu vực có nguy cơ cao; dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng là vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV; bổ sung và nâng cao năng lực cho các viên chức tham gia phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến.

Các giải pháp về các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong chùm lây nhiễm: Giảm lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy; tăng số người nghiện chích ma túy điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone; dự phòng lây nhiễm cho vợ/chồng/bạn tình người nghiện chích ma tuý nhiễm HIV; truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ cho nhóm quan hệ tình dục không an toàn; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho người nghiện chích ma tuý (điều trị bằng thuốc ARV), điều trị nhiễm trùng cơ hội, các STI (bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục), chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiêm phòng viêm gan B…).

Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động đáp ứng Y tế công cộng với dịch HIV/AIDS năm 2023 - 2024 là trên 2 tỷ 598 triệu đồng.

Sở Y tế chủ trì triển khai Kế hoạch đáp ứng Y tế công cộng với dịch HIV/AIDS tại tỉnh; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính và các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động  tài  chính  cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả việc huy động các nguồn viện trợ.

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 358
  • Trong tuần: 9 539
  • Tháng hiện tại: 38 954
  • Tổng lượt truy cập: 780512
Đăng nhập