Phòng, chống một số bệnh thường gặp cho trẻ trong mùa hè
Lượt xem: 180
Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi phát sinh và phát triển của các loại vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng gây bệnh. Trẻ em trở thành đối tượng dễ mắc bệnh vì hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém nên nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm như: tay-chân-miệng, bệnh về đường hô hấp trên, bệnh thủy đậu…

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Nam Tuấn, huyện Hoà An. 

 

Bệnh về đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy. Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, có khi mất tiếng, mệt mỏi.

Bệnh lý này thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết, uống nước quá lạnh, ăn kem, nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ uống nước đá và nằm máy lạnh đề phòng cho trẻ không gặp phải bệnh lý trên.

Bệnh tay-chân-miệng

Là một loại bệnh thường gặp ở trẻ đặc biệt khi hè về. Bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hoá khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virut. Do đó các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.

Biểu hiện ban đầu của bệnh lý này là trẻ có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trong 1-2 ngày sau khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng, mụn nước thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, hoặc có thể ở mông, gối.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện như sốt cao hơn 39 độ C, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì thì cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra.

Bệnh thủy đậu

Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi vi rút xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10- 20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm vi rút (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn…). Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày.     

Thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh. Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ.

Sốt virus

Sốt virus hay còn được gọi là sốt siêu vi thường do nhiều loại vi rút gây ra, phổ biến nhất là vi rút đường hô hấp. Triệu chứng của bệnh là trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh). Trẻ có thể phát ban hay gặp nhất là do virut Rubella sởi gây ra. Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi. Tuy nhiên, cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng, nên cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật.

Để phòng tránh sốt vi rút, cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, trong đó, lưu ý, bổ sung các vitamin từ hoa quả, ngoài ra cần chú ý vệ sinh cá nhân cho trẻ, đồng thời giữ môi trường xung quanh và nơi ở luôn sạch sẽ.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là một bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời có thể gây nên các biến chứng trầm trọng.

Bệnh tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng, có nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước, đi ngoài 3 lần trở lên trong 24 giờ. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước để bù nước cho trẻ, chỉ thực hiện truyền dịch khi trẻ bị mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Để chủ động phòng, chống bệnh trong mùa hè, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Cùng với sự chủ động trong công tác khám, chữa bệnh của các đơn vị y tế, mỗi người dân, mỗi gia đình cần có thêm kiến thức, sự hiểu biết nhất định về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, xây dựng nền nếp sinh hoạt, ăn uống của gia đình hợp lý, khoa học nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng phòng tránh tác hại của nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người.

Hạn chế không đi ra đường lúc nhiệt độ tăng cao, thời gian từ 11h sáng đến 15 h chiều, hạn chế sử dụng các thiết bị bằng quạt điện, máy điều hòa làm mát quá lâu. Khi trẻ bị tay chân miệng, bệnh viêm đường hô hấp... nếu không giữ vệ sinh tốt sẽ lây lan cho gia đình, cộng đồng.

Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không để trẻ ăn thức ăn đường phố hoặc thức ăn thừa vì dễ sẽ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu…

Cần vệ sinh nhà cửa, mặc quần áo thoáng mát và vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ.  Ngoài ra các bậc cha mẹ phải đặc biệt chú ý đến sức khỏe của con trẻ, thấy trẻ có triệu chứng nóng sốt, tiêu chảy phải đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị, để tránh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.   

 

Ngọc Anh

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập