Chuyển đổi số - Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế Cao Bằng
Lượt xem: 562

Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công nghệ số sẽ được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng các thông tin; được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị chào mừng Ngày Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng (10/10/2022). (Đức Giang)

 

Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng, trong đó cung cấp các công cụ hỗ trợ người dân tập trung, nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ công và hiệu quả; mang đến cho người dân sự tin tưởng vào môi trường an ninh hơn, an toàn hơn, tiện lợi, minh bạch hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về ngày Chuyển đổi số Quốc gia, theo đó lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Ngày 07/9/2022, UBND tỉnh Cao Bằng đã ký ban hành Quyết định số 1159/QĐ-UBND lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở Y tế Cao Bằng và các đơn vị trực thuộc đã chủ động, tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế.

Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế, trong đó tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là tiền đề góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, thời gian qua Sở Y tế đã quan tâm chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn để đáp ứng sự đổi mới, không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực hoạt động.

Ngày 29/01/2021, Sở Y tế phối hợp với VNPT Cao Bằng tổ chức khai trương Trung tâm điều hành y tế thông minh. Hệ thống Trung tâm gồm các hợp phần: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thông minh; hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh; tích hợp dịch vụ hành chính công kết nối với các phần mềm quản trị bệnh viện, cổng dữ liệu khám chữa bệnh của toàn bộ cơ sở y tế trong phạm vi toàn tỉnh; hồ sơ sức khoẻ, liên thông dữ liệu hồ sơ sức khoẻ với dữ liệu khám chữa bệnh; hệ thống giám sát dịch bệnh, dự báo dịch bệnh…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thăm Trung tâm Điều hành Y tế thông minh (ngày 09/2/2021). (Đức Giang)

 

Hệ thống điều hành có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như: nhóm thông tin về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, nhóm thông tin về lĩnh vực y tế dự phòng, trên cơ sở dữ liệu y tế, phân tích, hiển thị các hệ thống báo cáo thông minh, biểu đồ so sánh các chỉ số, cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động y tế đang diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Để triển khai sử dụng hệ thống điều hành y tế thông minh cũng như các phần mềm: Nền tảng quản lý tiêm chủng, Nền tảng trạm y tế xã, Kết nối liên thông dữ liệu giữa phần mềm VNPT-HMIS với Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20, Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bên cạnh công tác chỉ đạo điều hành, Sở Y tế đã tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực và mua sắm các trang thiết bị đồng bộ.

Công tác chuyển đổi số của Ngành Y tế tỉnh Cao Bằng đã được triển khai thực hiện từ năm 2015. Thông qua việc sử dụng phần mềm ứng dụng CNTT không chỉ giúp cho việc triển khai và ứng dụng thành công trong công tác cải cách hành chính, quản lý, điều hành mà còn ứng dụng rất hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh.

BVĐK tỉnh đã ứng dụng nền tảng KCB từ xa, kết nối liên thông với 14 điểm cầu các Bệnh viện tuyến huyện và Trung tâm Y tế huyện, thành phố để triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa theo các yêu cầu và đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến với Bệnh viện. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thiết lập đầy đủ đến các đơn vị đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong thời gian qua, đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh COVID-19, người bệnh không cần phải chuyển tuyến mà qua hệ thống phần mềm kết nối trực tiếp với các chuyên gia để hội chẩn, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Từ khi triển khai đến nay, Bệnh viện đã tổ chức hỗ trợ, tư vấn KCB từ xa được 62 lần, với  144 ca bệnh, về các bệnh: Cấp cứu, Ngoại khoa, Nội khoa, Nhi khoa…

BVĐK tỉnh tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với các ca bệnh của Trung tâm Y tế 2 huyện Hà Quảng và Trùng Khánh. (Mai Hiên)

 

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế về thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025; Tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa qua nền tảng trực tuyến Telehealth từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã thành lập Tổ điều hành hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa và giám sát hỗ trợ qua nền tảng trực tuyến Telehealth; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện với Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế xã. Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kết nối với 31 điểm cầu thuộc 10 TTYT tuyến huyện, thành phố và 21 Trạm Y tế xã. Từ khi triển khai, Trung tâm đã tổ chức tập huấn trực tuyến được 11 lớp, với 892 người dự; với các nội dung: quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, phòng chống dịch, công tác phát hiện quản lý điều trị bệnh nhân lao, quản lý thuốc Methadone, quản lý điều trị bệnh nhân sốt rét, báo cáo thống kê bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng COVID-19...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, giám sát, hỗ trợ Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế xã các huyện, thành phố. (Đức Giang)

 

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Cao Bằng được phân công thí điểm thực hiện ứng dụng chuyển đối số về nền tảng Trạm Y tế xã, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 2524/KH-SYT ngày 29/5/2022 về tổ chức quán triệt, phố biến nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số theo nội dung Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đẩy mạnh ứng dụng Nền tảng trạm y tế xã. Thành lập Tổ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng Nền tảng trạm y tế xã của Sở Y tế Cao Bằng để tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số theo nội dung Đề án. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các Trạm Y tế cấp xã, Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tổ chức triển khai tập huấn được 10 lớp cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

Đã tổ chức Đoàn Công tác học tập về tổ chức, triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và Nền tảng trạm y tế xã tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh phía Nam. Sau khi đi học tập cho thấy các tỉnh đều tập trung cho việc tổ chức, triển khai khai ứng dụng Hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn của Tập đoàn VNPT (phần mềm VNPT-HMIS) theo các chức năng, phân hệ đáp ứng Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 quy định về xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và Công văn số 4863/BYTCNTT ngày 14/9/2020 của Bộ Y tế về việc triển khai một phần mềm quản lý duy nhất tại các Trạm Y tế của Bộ Y tế và tại Quyết định số 198/QĐ-BYT ngày 13/01/2021 của Bộ Y tế về việc quy định danh mục chuẩn định dạng dữ liệu kết nối liên thông y tế cơ sở với Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20. Theo đó, yêu cầu Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 thu thập dữ liệu từ các đơn vị y tế cơ sở, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế triển khai phần mềm chuyên ngành để thu thập các dữ liệu của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo yêu cầu quản lý phải thực hiện kết nối, chia sẻ thông qua Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20.

Đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Cao Bằng học tập tại Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Trường Thông)

 

Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã có Công văn số 3044/SYT-KHTC ngày 30/6/2022 gửi Bộ Y tế cho phép Sở Y tế Cao Bằng mở kết nối liên thông dữ liệu giữa phần mềm VNPT-HMIS mà các cơ sở y tế Cao Bằng đang sử dụng với Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20; Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện khai thác dữ liệu trên Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 đối với dữ liệu y tế của tỉnh Cao Bằng, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 4683/BYT-CNTT ngày 14/9/2020 của Bộ Y tế về việc triển khai một phần mềm quản lý duy nhất tại các Trạm Y tế của Bộ Y tế.

Nền tảng trạm y tế xã giúp quản lý toàn diện; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý y tế cơ sở; giảm tải việc sử dụng giấy tờ, thời gian, khối lượng công việc… Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 718 viên chức/161 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (trung bình mỗi Trạm Y tế có 4,5 viên chức); 100% viên chức Trạm Y tế có văn bằng, chứng chỉ về CNTT và đã được tập huấn. Kết quả triển khai cập nhật Nền tảng Trạm y tế xã tính đến tháng 9/2022: cơ bản các Trạm y tế xã, phường, thị trấn đều cập nhật được dữ liệu lên Hệ thống (trên 14 - 15 phân hệ) theo yêu cầu…

Để đánh giá kết quả, tìm hiểu những khó khăn và những giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện nền tảng quản lý Trạm Y tế, thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế, ngày 26/8/2022, tại huyện Bảo Lâm, Sở Y tế đã phối hợp với Viễn thông Cao Bằng (VNPT) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian qua và những giải pháp trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nền tảng quản lý Trạm Y tế, thực hiện chuyển đổi số về y tế. (Ngọc Anh)

 

Kết quả đánh giá cho thấy, việc ứng dụng CNTTtại các đơn vị y tế đang dần kết nối các dữ liệu y tế, hình thành một nền tảng hạ tầng y tế số. Đến nay, 100% văn bản đến và đi đều được ngành Y tế thực hiện trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có hệ thống phần mềm quản lý; 100% Trạm Y tế sử dụng phần mềm quản lý sổ sức khoẻ điện tử… Tuy nhiên, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế, hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hạ tầng CNTTtrong lĩnh vực y tế chỉ mới đáp ứng ở mức độ cơ bản, các hệ thống vận hành CNTTkhông được tính toán trước cho nhu cầu ứng dụng dài hạn. Một số bệnh viện mặc dù có đầu tư thiết bị và đường truyền dự phòng, tuy nhiên không đảm bảo khả năng dự phòng tự động, phải thao tác thủ công mất nhiều thời gian.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Y tế sẽ tập trung xây dựng hạ tầng CNTTđáp ứng các tiêu chí của mức 6 trong Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/20217 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí về ứng dụng CNTTtại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng hệ thống phần mềm đáp ứng việc triển khai bệnh án điện tử tiến tới bệnh viện thông minh; triển khai ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; các hệ thống phần mềm kiểm soát phòng, chống dịch bệnh; xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu, điều hành tập trung và phát triển các hệ thống chuyên ngành Y tế…

Cùng với đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai sử dụng phần mềm Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, phần mềm có chức năng: Cho phép người dân, tổ chức đăng ký tiêm, tra cứu chứng nhận tiêm. Cho phép đăng ký cơ sở tiêm chủng. Công khai thông tin cho người dân về số lượng vắc xin, phân bổ vắc xin, số lượng đối tượng đăng ký, đã tiêm, kết quả tiêm chủng. Cho phép quản lý cơ sở tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm, lập kế hoạch tiêm, triển khai quy trình tiêm, quản lý kho, xuất nhập vật tư vắc xin, thu thập thông tin sự cố bất lợi sau tiêm, thống kê tổng hợp báo cáo. Cung cấp các thông tin tức thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành chiến dịch tiêm chủng. Hệ thống bao gồm các nhóm phân hệ chính là quản lý tiến độ tiêm chủng; quản lý tình hình phân bổ vắc xin và quản lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng, quản lý cơ sở tiêm chủng.

Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong và đoàn công tác kiểm tra việc xử lý dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại điểm tiêm xã Chu Trinh, Thành phố Cao Bằng. (Đức Giang)

 

Việc ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế hiện đại với các mục tiêu chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, giúp người dân được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Nỗ lực trong chuyển đổi số đã giúp ngành Y tế Cao Bằng tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Đức Giang

 

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập