Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ năm 2023
Lượt xem: 2109

Sáng 13/01/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại điểm cầu Cao Bằng, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành và đại diện một số doanh nghiệp và hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

Năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, như thiên tai, dịch bệnh và xung đột quân sự Nga - Ukraine gây tác động lớn. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp quyết liệt, ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, toàn diện, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%; Có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM trên 78%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng. 

Toàn ngành đã triển khai đồng bộ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành đi vào thực chất, hiệu quả hơn; chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa được nâng cao trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. 

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; tổ chức nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến, xây dựng 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 866 chuỗi so với năm 2021); nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2022, thành lập mới 980 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 91 Liên hiệp HTX NN (tăng 12 Liên hiệp HTX NN), 21.100 HTX NN; thành lập mới 821 doanh nghiệp, nâng tổng số lên gần 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp.

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc; lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021. 

Năm 2022 nghiệm thu và công bố, công nhận 18 giống cây trồng, vật nuôi; 12 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng số xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Tại Hội nghị đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tham luận, trao đổi về kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị các giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của ngành NNPTNT trong năm 2023. 

Phát biểu chỉ đạo Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành Nông nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước. Đề nghị ngành tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đạt được, phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023 và hoàn thành tốt hơn năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Nông nghiệp quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch. Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch…

Dương Liễu

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1